Thời tiết chuyển mùa cũng là cơ hội để các vi khuẩn, virus gây bệnh tấn công, điển hình như viêm họng, viêm phế quản,… Cùng tham khảo cách phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp ở bài viết dưới đây nhé.
Thời tiết thay đổi cũng là thời cơ để các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp gia tăng, trong đó phải kể đến các bệnh điển hình như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Đối với những người chưa bị bệnh sẽ dễ mắc bệnh, những người đang bệnh thì bệnh càng tăng, những người đã khỏi bệnh sẽ mắc bệnh trở lại. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê một vài căn bệnh về đường hô hấp dễ gặp nhất và cách phòng tránh hiệu quả.
Viêm họng
Viêm họng là bệnh phổ biến nhất trong cộng đồng và có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhưng chủ yếu là do các loại virus và vi khuẩn. Có 3 loại viêm họng gồm: viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét. Loại viêm họng nào cũng mang đến tình trạng nhức đầu, đau rát họng, đau khi nuốt nước miếng.
Ngoài ra viêm họng còn đi kèm với cảm lạnh, buồn nôn, đau mình, sưng amidan và nổi hạch cổ. Nguy hiểm nhất là viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A Streptococus đây là thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận.
Một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A gồm: sốt cao 39 – 40 độ, mệt mỏi trong người, khám họng có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amidan hai bên. Sờ thấy hạch dưới góc hàm cả hai bên, ấn vào cảm thấy đau…
Để phòng bệnh hiệu quả, bạn nên giữ ấm cổ, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng. Bệnh viêm họng là bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, vì vậy nếu ai đó xung quanh bạn đang bị viêm họng thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc gần với người bệnh và cần đeo khẩu trang.
Viêm phế quản cấp
Các tác nhân gây viêm khí – phế quản cấp mùa thu-đông thường là virus cúm, virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp,…
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường gối chồng lên các biểu hiện của viêm khí – phế quản. Phòng bệnh chủ yếu vẫn là giữ ấm, không để bị lạnh, chỉ dùng kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.
Giãn phế quản
Có 2 loại giãn phế quản: thể “khô” và thể “ướt” . Giãn phế quản ướt là giãn phế quản xuất tiết, người bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn.
Mùa thu – đông là mùa giãn phế quản ướt biểu hiện rõ nhất, tỷ lệ mắc bệnh cũng cao nhất. Lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết niêm dịch, ứ đọng trong các phế quản giãn là môi trường thuận lợi cho cho vi khuẩn phát triển. Chống lạnh, chống nhiễm khuẩn cần được đặc biệt chú ý trong mùa này.
Tâm phế mạn
Tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính (viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi…) gây ra.
Nguyên nhân gây nên đợt cấp thường là nhiễm khuẩn. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh, bệnh nhân thường cảm thấy khó thở, đây là lý do khiến họ vào viện.
Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Từ khi người bệnh có biểu hiện tâm phế mạn đến khi phát hiện ra bệnh thời gian không dài nhưng từ bệnh phổi chuyển thành bệnh tim thì thời gian rất dài.
Tâm phế mạn cấp không điều trị kịp thời sẽ tử vong do suy hô hấp… Do vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn mùa lạnh là vấn đề sống còn, người bệnh cần biết rõ để tự bảo vệ mình.
Hen phế quản
Phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh. Kích thích đó có thể là phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ…, hay có nguồn gốc trong cơ thể người bệnh: các nội tiết tố, những thay đổi bên trong cơ thể…
Trong bệnh hen phế quản, cần chú ý nhất đến thể khó thở kịch phát, thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số do dị ứng, thể khó thở liên tục xuất hiện ngay từ đầu hoặc sau những cơn khó thở kịch phát, thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử hen lâu ngày.
Thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người phế nang đã bị giãn, thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin (mùa thu-đông là mùa hay bị cảm sốt, người bệnh có thể dùng aspirin điều trị), thể hen có cơn tăng huyết áp kèm theo…
Phòng tránh bệnh chủ yếu như: tránh lạnh, tránh bụi, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa… Điều trị bệnh phải nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.
Tham khảo thêm: 10 mẹo chữa amidan bị hốc mủ hiệu quả tại nhà
Trên đây là một số căn bệnh dễ mắc phải khi trở lạnh, mong rằng bạn và gia đình sẽ chú ý giữ gìn sức khỏe để tránh những căn bệnh đáng ghét này nhé.
Bạn sẽ quan tâm:
- Nắm giữ 5 quy tắc này, bạn sẽ không bao giờ bị bệnh mỗi khi thời tiết chuyển mùa
Kinh nghiệm hay 7-Dayslim