Bữa sáng là bữa ăn quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên có một số thói quen xấu khi ăn sáng có thể gây nên biến chứng xấu, sức khỏe sa sút.
Tiểu đường hay đái tháo đường là một căn bệnh đến từ rối loạn chuyển hóa, cơ thể thiếu hụt insulin, đề kháng hoặc cả hai dẫn đến dấu hiệu là đường huyết luôn cao hơn so với bình thường. Các bệnh nhân mắc phải căn bệnh này cần chú ý đến chế độ ăn uống. Và đặc biệt là cần loại bỏ các thói quen xấu khi ăn sáng.
Ăn sáng muộn
Theo Phó Trưởng khoa Đái tháo đường của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, Ths.Bs Hồ Khải Hoàn, thời điểm insulin tiết ra nhiều nhất chính là vào sáng sớm vì thế bữa ăn sáng rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường.
Nếu ăn sáng quá muộn hay bỏ bữa sáng sẽ gây nên rối loạn tiết insulin, hạ đường huyết, rối loạn sinh học, phá vỡ quá trình chuyển hóa và nội tiết bình thường, có thể dẫn đến tổn thương tuyến tụy vì lượng đường lên xuống thất thường.
Thời điểm ăn sáng thích hợp chính là vào khoảng thời gian từ 7-8 giờ, trễ nhất là 8 giờ 30, dùng bữa sáng vào thời điểm này không chỉ giúp kiểm soát cơn đói, cung cấp năng lực cần thiết cho cơ thể mà còn hạn chế ăn quá nhiều bữa trong ngày, ổn định lượng đường trong máu.
Ăn sáng bằng thực phẩm nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên xào luôn có sức hút đối với bất cứ ai. Tuy nhiên với người mắc bệnh tiểu đường, việc dùng thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ là thói quen không hề tốt, thậm chí có thể gây nguy hiểm. Lí do là vì lượng cholesterol trong những thực phẩm này quá cao, có thể làm tăng mỡ máu và đường huyết.
Việc ăn đồ nhiều dầu mỡ 1-3 lần mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 lên 15%, nếu ăn đồ chiên xào 7 lần trong tuần thì sẽ khiến con số trên nâng lên đến 55%. Vì thế để ổn định đường huyết và ngừa xơ vữa động mạch, tốt nhất, ta nên hạn chế sử dụng chất béo bão hòa.
Và theo Cử nhân điều dưỡng Mai Xuân Mỹ, hiện đang công tác tại khoa Khám bệnh cán bộ cao cấp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,tỷ lệ chất béo trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân mắc tiểu đường tốt nhất là vào khoảng 25% tổng số năng lượng khẩu phần, tuyệt đối không nên vượt quá 30%.
Ăn thực phẩm nhiều tinh bột
Người Việt chúng ta luôn có thói quen sử dụng các thực phẩm nhiều tinh bột như cơm, bún, mì, cháo, bánh mì,… vào buổi sáng vì những thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều năng lượng cho buổi sáng, thậm chí cả ngày. Nhưng nếu ăn quá nhiều và thường xuyên thì không hết tốt chút nào, nhất là với bệnh nhân tiểu đường.
Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, vẫn đảm bảo sự thơm ngon và đáp ứng được nhu cầu về năng lượng cần thiết như yến mạch, trứng, sữa, rau,…
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn phải kiêng hoàn toàn bún, mì, cháo,… vào bữa sáng. Để chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về liều lượng tiêu dùng cho phép nhằm có thể thưởng thức món yêu thích mà vẫn giữ đường huyết ổn định.
Ăn thực phẩm nhiều muối
Một số bệnh nhân đái tháo đường có bữa ăn sáng rất đơn giản, vì sợ đường huyết tăng nên họ chỉ dùng bữa bằng cơm nguội cùng chút dưa mắm, bánh mì cùng thịt nguội,… Nhưng ta nên nhớ rằng, dưa muối hay thịt nguội đều là những thực phẩm chứa nhiều muối lại nghèo dinh dưỡng.
Nếu thói quen này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến huyết áp, tổn thương mạch máu và thần kinh của bệnh tiểu đường. Ngoài ra có tăng nguy cơ các biến chứng ở tim mạch, mắt và thận.
Thiếu chất xơ trong khẩu phần ăn
Chất xơ vốn là một trong những dưỡng chất quan trọng và cần thiết cho hầu hết các đối tượng, kể cả bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài hỗ trợ các hoạt động và bảo vệ sức khỏe của đường ruột, ngừa bệnh trĩ, giảm thiểu nguy cơ ung thư ruột kết,… thì với bệnh nhân đái tháo đường, tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ có giúp ổn định lượng đường và cholesterol trong máu.
Dựa vào độ tuổi và giới tính, thì lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể sẽ thay đổi. Với phụ nữ sẽ cần lượng chất xơ ít nhất khoảng 21g mỗi ngày và với phái nam sẽ khoảng 30g mỗi ngày.
Quá ít protein
Một bữa ăn hoàn hảo cho người mắc đái tháo đường cần có đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất xơ – protein – chất béo tốt – rau không chứa tinh bột.
Vì thế, protein cũng là chất cần xuất hiện trong bữa sáng. Thường sau khi ngủ dậy, đa số chúng ta sẽ có cảm giác uể oải, vì lúc này một phần năng lượng dự trữ đã bị tiêu hao. Cho nên việc dùng các thực phẩm chứa protein sẽ giúp bù lại phần năng lượng này mà không gây tăng lượng đường trong máu.
Trên đây là bài viết về 6 thói quen xấu khi ăn sáng ở người bệnh tiểu đường gây hại cho sức khỏe. Hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin thật hữu ích.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống
7-Dayslim