Xét nghiệm RF giúp phát hiện và đánh giá các yếu tố dạng thấp trong máu. Thực hiện xét nghiệm này sẽ hỗ trợ bác sĩ kiểm tra bệnh nhân có bị viêm khớp dạng thấp hay không.
Xét nghiệm RF là gì?
Xét nghiệm RF là một xét nghiệm định lượng yếu tố dạng thấp có trong máu. Xét nghiệm này được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh viêm khớp có yếu tố tự miễn và đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
Cơ sở chẩn đoán của xét nghiệm là sự gia tăng bất thường của hàm lượng kháng thể RF hiện có trong máu. RF (Rheumatoid Factor) là một nhóm protein được hình từ hệ thống miễn dịch. Các kháng thể này do cơ thể tự sinh ra và tự tấn công những mô của cơ thể thay vì chống lại những những yếu tố xâm hại từ bên ngoài môi trường.
Hàm lượng RF có trong máu thường đạt ở một ngưỡng nhất định. Chỉ số RF đối với người bình thường là dưới 15 IU/ml. Nếu chỉ số này chỉ tăng nhẹ nó vẫn có thể không phải là dấu hiệu của bệnh lý. Tuy nhiên nếu nó tăng cao hơn ví dụ 200 hay 300 IU/ml chứng tỏ hệ miễn dịch của cơ thể đang hoạt động mạnh và đây là điều kiện thuận cho việc hình thành và phát triển những bệnh viêm khớp tự miễn đặc biệt là viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp dạng thấp thể huyết thanh dương tính.
Thông thường, khoảng 70% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có chỉ số RF cao. Yếu tố dạng thấp cũng tăng trong một số trường hợp khác như hội chứng Sjogren, Lupus, viêm gan, suy thận,…
RF đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp tuy nhiên chỉ số này tăng không đồng nghĩa với chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, và một số trường hợp bệnh nhân vẫn mắc viêm khớp dạng thấp nhưng xét nghiệm máu RF trong giới hạn bình thường. Bác sĩ cần kết hợp nhiều yếu tố xét nghiệm và tình trạng bệnh mới có thể chẩn đoán chính xác viêm khớp dạng thấp.
Khi nào nên xét nghiệm máu RF?
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện xét nghiệm RF khi có những dấu hiệu sau đây:
- Có cảm giác sưng đau bất thường, không rõ nguyên kéo dài ở một hay nhiều vùng khớp, nhất là các khớp nhỏ vùng bàn tay và đối xứng 2 bên cơ thể.
- Khớp bị cứng vào buổi sáng, kéo dài hơn 30 phút.
- Cơ thể mệt mỏi, có sốt nhẹ, sụt cân.
- Khớp bị đau sưng, đôi khi tấy đỏ trong nhiều ngày hay nhiều tuần, tái phát liên tục, nhất là khi có sự thay đổi thất thường của thời tiết.
Vì không thể chỉ dựa vào kết quả của phương pháp xét nghiệm này để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, để chẩn đoán bác sĩ thường làm một số xét nghiệm trong đó bao gồm RF, anti-CCP, phản ứng viêm của cơ thể (CRP), tốc độ máu lắng, chụp x-quang khớp tổn thương và x-quang khớp vùng bàn tay khi có chỉ định.
Ưu nhược điểm của phương pháp xét nghiệm RF
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp mang lại những bước tiến trong chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm này cũng không tránh được các nhược điểm cần khắc phục được nhận thấy từ các ca lâm sàng thực tế.
Ưu điểm
- Quy trình thực hiện tương đối đơn giản, chỉ cần làm đúng theo chỉ dẫn đã thiết lập trước đó. Điều này giúp tránh được tình trạng sai số hệ thống (sai sót trong kết quả liên quan tới người thực hiện trực tiếp) và mang lại kết quả hợp lý nhất.
- Mang lại giá trị cao trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Đánh giá tình trạng bệnh theo đúng cơ sở khoa học.
Nhược điểm
- Khoảng 20% – 30% các ca bệnh viêm khớp dạng thấp không được chẩn đoán trực tiếp từ chỉ số RF .
- Có khả năng nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm da cơ địa, viêm gan mãn tính, nhiễm virus, bệnh bạch cầu đơn nhân, xơ cứng bì, lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren.
- Nhiều bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh nhưng kết quả xét nghiệm vẫn thấy có RF trong máu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả chẩn đoán.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính, còn được biết đến là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô trong chính sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tự miễn trong cơ thể, từ đó xuất hiện bệnh viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp ngoài việc phá hủy và làm tổn thương đến hệ khớp của cơ thể. Chúng còn gây ảnh hưởng đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu. Do đó, cần phải phát hiện sớm ra bệnh để có thể điều trị kịp thời.
Những trường hợp chỉ định xét nghiệm yếu tố RF trong viêm khớp dạng thấp
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF là xét nghiệm định lượng yếu tố dạng thấp trong máu. Kết quả của xét nghiệm có một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp.
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF sẽ được chỉ định với những bệnh nhân có dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp. Cụ thể, những dấu hiệu của bệnh lý này có thể kể đến như đau, nóng, sưng, cứng các khớp vào buổi sáng; đau nhức xương khớp xuất hiện các nốt dưới da; hình ảnh chụp X-quang có hiện tượng sưng viêm nang khớp, mất sụn hoặc mất xương, viêm khớp ngón tay,…
Bên cạnh đó, xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF cũng được thực hiện với những bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng Sjogren như không miệng, mắt; da khô; đau khớp và cơ.
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF có thể được lặp lại nhiều lần nếu như cho ra kết quả âm tính mà tình trạng bệnh không hề giảm đi.
Cơ sở của xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF
Như chúng ta đã biết, xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF có một vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn đoán bệnh. Vậy xét nghiệm này được dựa trên cơ sở gì?
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF được tiến hành dựa trên kiểm tra sự có mặt của kháng thể RF trong máu người được xét nghiệm. Do đó, cơ sở của xét nghiệm chính là kháng thể RF, một kháng thể được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các kháng thể RF là kháng thể tự sinh, có nhiệm vụ tấn công chính các mô của cơ thể vì sự nhầm lẫn các mô cơ thể với các protein lạ xâm nhập.
Lượng kháng thể RF trong máu người luôn ở một mức độ nhất định, chỉ số của người bình thường < 12U/mL. Khi số lượng kháng thể vượt quá giới hạn thì sự phá huỷ của các tế bào cơ thể càng lớn và gây ra viêm khớp dạng thấp. Dựa trên cơ sở này, bác sỹ có thể xác định được người bệnh có bị viêm khớp dạng thấp hay không.
Các bước xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF
Các bước thực hiện xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF rất đơn giản, bước quan trọng đã có máy móc tiên tiến thực hiện nên quá trình xét nghiệm cũng được rút ngắn và kết quả thu được cũng chính xác hơn. Sau đây là các bước cụ thể của quá trình xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF.
Bước 1: Thăm khám và chuẩn bị
- Người bệnh nghi ngờ bị bệnh viêm khớp dạng thấp nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xác định tình trạng hiện tại. Dựa trên những triệu chứng và thông tin người bệnh cung cấp, bác sĩ sẽ quyết định có chỉ định xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF với trường hợp này hay không.
- Nếu cần tiến hành xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF người bệnh sẽ được giải thích về những vấn đề liên quan đến quá trình này.
Bước 2: Lấy mẫu xét nghiệm
- Bệnh nhân cung cấp thông tin cá nhân.
- Bác sỹ tiến hành lấy khoảng 3ml máu tĩnh mạch ngoại vi, cho vào ống đựng mẫu.
- Đem ly tâm mẫu xét nghiệm để tách huyết thanh.
Bước 3: Xét nghiệm
- Mẫu xét nghiệm sẽ được cho vào máy xét nghiệm đã cài sẵn chế độ xét nghiệm yếu tố dạng thấp – RF.
- Đợi kết quả.
Bước 4: Trả kết quả
Sau khi máy xét nghiệm làm việc xong, kết quả sẽ được hiển thị và sẽ được phân thành những trường hợp như sau:
- Kết quả RF < 12 U/mL: lượng yêu tố dạng thấp lưu hành trong máu ở giới hạn bình thường.
- Kết quả RF bằng hoặc lớn hơn 14 IU/ml: lúc này lượng yếu tố dạng thấp lưu hành trong máu đã vượt quá mức giới hạn thông thường, người bệnh có thể đã bị viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Sjogren.
Sau khi có kết quả âm tính, nếu như có một số triệu chứng lâm sàng đáng nghi ngờ thì bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như anti – CCP, tốc độ lắng máu – ESR, X – quang,… để đảm bảo kết quả chẩn đoán được chính xác hơn.
Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm
Những yếu tố dưới đây có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm của bệnh nhân gồm:
- Sử dụng thuốc: Sử dụng những thuốc chống viêm hoặc chống đông máu như aspirin, steroid có khả năng làm thay đổi chỉ số RF trong xét nghiệm.
- Tuổi tác: Người bệnh cao tuổi thường có chỉ số RF cao hơn do ảnh hưởng của quá trình thoái hóa xương khớp.
- Có vấn đề về gan, phổi, béo phì, huyết thanh đục: Những vấn đề sức khỏe này sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xét nghiệm máu RF.
- Tiêm vaccine phòng bệnh hoặc truyền máu: Bệnh nhân vừa tiêm vaccine hoặc truyền máu cũng làm chỉ số RF thay đổi so với giá trị bình thường của cơ thể.
Một số kết quả khác khi xét nghiệm RF
Kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính cho thấy hàm lượng kháng thể RF đã xuất hiện trong máu. Ngoài nguy cơ viêm khớp dạng thấp, nồng độ RF cao trong máu có thể liên quan đến các bệnh khác như:
- Ung thư
- Nhiễm trùng mạn tính
- Các loại viêm phổi
- Bệnh mô liên kết hỗn hợp
- Lupus ban đỏ
Trên đây là những thông tin liên quan đến xét nghiệm RF dành cho bạn đọc tham khảo khi có ý định thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp.