Nhiễm ấu trùng sán lợn rất nguy hiểm, do đó, việc chẩn đoán để có phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời là rất quan trọng. Để chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn (cysticercosis) thì cần xác định bằng việc tìm ấu trùng sán trong lát cắt tổ chức bệnh phẩm sinh thiết da hoặc mô dưới da. Bên cạnh đó, người bệnh cần được thăm khám, sờ nắn để tìm các nốt cỡ hạt đậu. Các xét nghiệm Cysticercosis tìm ấu trùng sán lợn được chỉ định là chụp X quang cơ đơn thuần, chụp cắt lớp CT, chụp MRI,…
Ấu trùng sán lợn nguy hiểm thế nào?
Ấu trùng sán lợn chính là một bệnh lý ký sinh trùng có khả năng lây nhiễm giữa động vật và con người. Nguyên nhân dẫn đến bệnh chủ yếu là do ăn phải thịt lợn mang ấu trùng sán hoặc ăn một số loại thực phẩm nhiễm các ấu trùng trong đất, nước…
Vị trí của ấu trùng sán lợn theo thứ tự thường gặp là ở hệ thần kinh trung ương, tổ chức dưới da và cơ vân, cuối cùng là nhãn cầu, hiếm hơn các tổ chức khác. Đầu sán lợn sơ khai (protoscolex) cùng với 4 giác hút và hàng móc, cuộn ở trong cũng như gắn vào thành trong kén. Các vị trí và biểu hiện thường gặp của nhiễm ấu trùng sán lợn như sau:
- Hệ thần kinh
Tại hệ thần kinh, khi ấu trùng sán lợn gạo phát triển ở đây nó sẽ biểu hiện bằng các triệu chứng choán chỗ, phản ứng viêm hoặc tắc hệ thống não thất và ống não. Ở giai đoạn xâm nhập cấp, các ấu trùng sán lợn sẽ gây ra một loạt triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, tăng bạch cầu ái toan, nặng hơn là người bệnh rơi vào hôn mê.
Kén nhu mô biểu hiện triệu chứng động kinh cục bộ hoặc toàn bộ kèm theo các dấu hiệu thần kinh khu trú, tăng áp lực nội sọ và rối loạn ý thức. Nếu kén ở khoang dưới nhện và kén màng não thường dẫn đến viêm dính màng nhện, từ đó gây tăng áp lực nội sọ, não úng thủy do tắc mạch não, thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc nhồi máu cũng như rối loạn chức năng thần kinh sọ não.
Ấu trùng sán lợn ở não thất có thể trôi tự do trong ống thông của não hoặc các não thất, một số trường hợp nó có thể gắn vào thành não thất. Các kén này thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng cũng có thể gây áp lực nội sọ do tắc toàn bộ hoặc từng lúc.
Ấu trùng sán lợn gạo chùm là một dạng bất thường hiếm gặp. Ấu trùng này có nhiều nhánh, không đóng kén cũng như không có đầu sán. Chúng thường tạo thành từng đám không đồng đều, nằm trong các khoang dưới màng nhện ở nền sọ và khoang não thất, từ đó gây viêm dính màng nhện và não úng thủy do tắc.
Ấu trùng tủy sống có thể xuất hiện ở ngoài hoặc trong tủy, nó thường gây viêm màng nhện như viêm màng não, bệnh rễ thần kinh hoặc các triệu chứng tăng áp lực.
- Nhiễm ấu trùng sán lợn ở mắt
Đối với trường hợp ấu trùng sán lợn gạo ở mắt, chúng thường chỉ có một kén bơi tự do trong dịch kính hoặc dưới võng mạc. Các triệu chứng ấu trùng sán lợn xâm nhập đến mắt bao gồm đau quanh mắt, nhìn lóa và nhìn mờ. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu lâm sàng khác có thể xuất hiện bao gồm: xuất huyết và phù đĩa thị giác, bong võng mạc, viêm mống mắt và viêm võng mạc.
- Nhiễm ấu trùng sán lợn ở dưới da và ở cơ vân
Dưới da và cơ vân, các kén ấu trùng sán lợn dưới da biểu hiện dấu hiệu như xuất hiện các nốt, chúng có thể xẹp đi và biến mất nhưng sau đó lại xuất hiện ở các vị trí khác trong khoảng thời gian khác nhau. Các kén này thường không gây triệu chứng gì cho người bệnh.
Xét nghiệm Cysticercosis tìm ấu trùng sán lợn
Nhiễm ấu trùng sán lợn rất nguy hiểm, do đó việc chẩn đoán để có phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời là rất quan trọng. Để chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn (cysticercosis) thì cần xác định bằng việc tìm ấu trùng sán trong lát cắt tổ chức bệnh phẩm sinh thiết da hoặc mô dưới da. Bên cạnh đó, người bệnh cần được thăm khám, sờ nắn để tìm các nốt cỡ hạt đậu. Các xét nghiệm Cysticercosis tìm ấu trùng sán lợn bao gồm:
- Chụp X quang cơ đơn thuần: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể phát hiện các tổn thương vôi hóa hình bầu dục hoặc thẳng của ấu trùng sán lợn. Các tổn thương này thường rất nhiều và nó nằm dọc theo chiều của các sợi cơ xung quanh.
- Chụp cắt lớp CT: Một trong những thăm dò sọ não hữu hiệu nhất đó chính là chẩn đoán hình ảnh chụp cắt lớp CT Scan. Khi sử dụng kỹ thuật này, các hình ảnh kén nhu mô trên phim sẽ thấy có các kén nước (những vùng giảm tỷ trọng hình tròn không bắt chất cản quang); kén keo là những kén chết hoặc đang chết có phản ứng miễn dịch của cơ thể; u hạt hoặc vôi hóa. CT Scan có thể phát hiện các tổn thương vôi hóa và u hạt.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này cho hình ảnh kén nước và kén keo rõ nét hơn. Tuy nhiên các nốt đặc hiệu từ 2 – 4 mm trong dịch kén kém hơn. Trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn cysticercosis tủy sống sẽ có thể được phát hiện qua kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI.
- Các xét nghiệm miễn dịch: Một xét nghiệm cho độ đặc hiệu 100% và độ nhạy 95% khi xét nghiệm Cysticercosis đó là xét nghiệm mới cố định điện di miễn dịch với huyết thanh. Một phương pháp xét nghiệm khác đó chính là phương pháp ELISA cho độ đặc hiệu 63% và độ nhạy 65%.
- Xét nghiệm dịch não tủy: Với kỹ thuật xét nghiệm Cysticercosis này cho độ nhạy lên đến 86% với phản ứng cố định miễn dịch. Dịch não tủy trong nhiễm ấu trùng sán lợn thần kinh phải được xét nghiệm tìm kháng thể IgM và kháng thể IgG; dịch não tủy thường tăng protein nhưng lại giảm glucose; bạch cầu ái toan tăng trên 20% cũng là một giá trị trong chẩn đoán ấu trùng sán lợn.
Điều trị và phòng bệnh ấu trùng sán lợn
Điều trị bệnh sán lợn
Khi bắt đầu phát hiện nhiễm ấu trùng sán lợn, người bệnh cần điều trị nội khoa để tiêu diệt sán lợn, một số trường hợp cần thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải được thực hiện tại những cơ sở y tế với trang bị hiện đại, đội ngũ y tế có nhiều kinh nghiệm. Các phương pháp điều trị ấu trùng sán lợn bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc điều trị ấu trùng sán lợn là Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.
- Trong trường hợp ấu trùng sán lợn gây chèn ép thần kinh hay gây tắc mạch, giãn não thất hoặc ứ nước trong não thì người bệnh cần phải thực hiện phương pháp phẫu thuật nhanh nhất có thể.
Phòng ấu trùng sán lợn
Để chủ động phòng ngừa nhiễm ấu trùng sán lợn, mọi người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý nguồn chất thải thật hợp lý. Bên cạnh đó mọi người cần:
- Sử dụng nguồn nước sạch trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
- Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu ăn và ăn uống, vệ sinh cơ thể thường xuyên.
- Ăn chín uống sôi; lựa chọn nguồn gốc thịt lợn uy tín, không ăn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn khi chưa nấu chín. Đồng thời hạn chế tối đa việc ăn rau sống.
- Mổ giết lợn hợp vệ sinh, đặc biệt không thả rông lợn.
Bệnh sán lợn nhỏ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy ngay khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thì người dân cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.