Xét nghiệm CRP là một phương pháp giúp xác định mức độ nặng nhẹ tình trạng viêm của bạn. Bài viết sau đây của 7-dayslim sẽ trình bày các thông tin về xét nghiệm CRP, bao gồm: xét nghiệm CRP là gì, ý nghĩa xét nghiệm CRP, cách đọc kết quả xét nghiệm này.
Xét nghiệm CRP là gì?
Protein phản ứng C (CRP) là một loại protein có nguồn gốc từ gan. Thông thường mức CRP trong cơ thể sẽ thấp. Khi gặp tình trạng viêm, gan sẽ tiết nhiều CRP vào máu. Nếu mức CRP trong máu cao chứng tỏ bạn đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan tới phản ứng viêm.
Nếu tình trạng viêm kéo dài, nó sẽ ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh. Đây là tình trạng viêm mãn tính. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến viêm mãn tính như: nhiễm trùng mãn tính, rối loạn tự miễn dịch… Nếu bạn thường xuyên hút thuốc hoặc tiếp xúc nhiều với hóa chất trong môi trường cũng sẽ dẫn đến tình trạng này.
Xét nghiệm CRP chính là xét nghiệm định lượng protein phản ứng C trong máu. Xét nghiệm máu có thể thực hiện để kiểm tra mức CRP trong cơ thể bạn.2
Xét nghiệm CRP có thể được cùng thực hiện với xét nghiệm định lượng yếu tố dạng thấp có trong máu (RF) để chẩn đoán một số bệnh viêm xương khớp.
Xét nghiệm hs – CRP2
Xét nghiệm hs – CRP có độ nhạy cao hơn xét nghiệm CRP tiêu chuẩn. Xét nghiệm này có thể phát hiện sự gia tăng nhẹ ngay trong phạm vi bình thường của mức CRP tiêu chuẩn.
Xét nghiệm hs – CRP có thể dùng để xác định nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Ý nghĩa của xét nghiệm CRP
Xét nghiệm CRP được sử dụng để xác định tình trạng viêm nhiễm và theo dõi tình trạng viêm trong các trường hợp cấp tính hoặc mạn tính, bao gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
- Bệnh viêm ruột: bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Rối loạn tự miễn dịch: lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…
- Bệnh đường hô hấp như hen suyễn.
Xét nghiệm CRP được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị viêm mạn tính. Bên cạnh đó còn có thể phát hiện và đưa ra phương án điều trị kịp thời nếu bạn bị nhiễm trùng huyết.
Xét nghiệm hs – CRP sẽ hỗ trợ xác định nguy cơ mắc bệnh tim của bạn .Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ hs – CRP tăng cao có thể dự báo nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi và đột tử do tim.
Những ai cần thực hiện xét nghiệm CRP?
Bạn có thể sẽ cần thực hiện xét nghiệm nếu gặp phải các triệu chứng của nhiễm trùng do vi khuẩn:
- Sốt, ớn lạnh.
- Thở nhanh.
- Nhịp tim nhanh.
- Buồn nôn, ói mửa.
Nếu bạn mắc phải các bệnh mãn tính gây viêm, bác sĩ điều trị sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm này để theo dõi hiệu quả điều trị.
Xét nghiệm hs – CRP có thể hữu ích nhất cho những người có 10% đến 20% nguy cơ bị đau tim trong vòng 10 năm tới, hoặc nguy cơ trung bình. Bác sĩ sẽ xác định mức độ rủi ro của bạn bằng cách sử dụng các bài kiểm tra tính điểm đánh giá dựa trên lối sống, tiền sử gia đình và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.2
Yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm CRP
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm CRP:
- Phụ nữ đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone được chứng minh có nồng độ hs – CRP cao hơn.
- Những người bị viêm mãn tính như viêm khớp sẽ có mức CRP cao.
- Mất ngủ và trầm cảm có thể khiến CRP tăng nhẹ.
- Mức CRP sẽ cao hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ: béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, tiểu đường.
- Một số loại thuốc có thể khiến CRP thấp hơn bình thường: NSAIDs, corticoid, statin.
Quy trình xét nghiệm CRP
Kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch để làm xét nghiệm CRP theo quy trình sau:3
- Xác định vị trí tĩnh mạch trước khi tiến hành lấy máu.
- Sát khuẩn vùng lấy máu bằng khăn tẩm cồn.
- Sử dụng garô đặt xung quanh cánh tay để tĩnh mạch trên cánh tay hiện lên rõ ràng.
- Lấy máu bằng kim lấy máu chuyên dụng. Lúc này bạn sẽ cảm thấy hơi đau vì kim đâm vào.
- Sau khi lấy đủ lượng máu (vài mililit), kim và garô sẽ được lấy ra.
- Kỹ thuật viên sẽ dùng một miếng gạc bông để ngăn máu chảy thêm và cố định bằng một miếng băng y tế.
Nếu sau khi lấy máu bạn cảm thấy choáng váng, buồn nôn hoặc có tiền sử từ những lần lấy máu trước đó, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên lấy mẫu. Bạn sẽ được yêu cầu ở lại nơi xét nghiệm và nghỉ ngơi trong thời gian ngắn để đảm bảo an toàn khi bạn di chuyển về nhà.
Cách đọc kết quả xét nghiệm CRP
Kết quả xác định tình trạng viêm nhiễm
Mức CRP bình thường ở khoảng giá trị 0.8 – 1.0 mg/dL (hoặc 8 – 10 mg/L) hoặc thấp hơn mức này là bình thường.
Hầu hết người lớn khỏe mạnh có mức CRP thấp hơn 0.3 mg/dL.
Nếu mức CRP > 1.0 mg/dL, bạn có thể đang bị viêm, nhưng xét nghiệm này không xác định được chính xác nguyên nhân hoặc vị trí của tình trạng viêm. Với mức CRP rất cao có thể liên quan đến nhiều loại nhiễm trùng, bệnh tự miễn dịch, ung thư… Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm chuyên biệt bổ sung trước khi đưa ra chẩn đoán.
Tuy nhiên, mức CRP cao cũng có thể do một số yếu tố nguy cơ đã được liệt kê ở trên như: béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường…
Cách đọc kết quả xét nghiệm hs – CRP
Những đối tượng có giá trị hs – CRP cao hơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp 1.5 – 4 lần so với người có giá trị hs – CRP ở mức bình thường.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã xác định các nhóm nguy cơ như sau:
- Rủi ro thấp: < 1.0 mg/L.
- Rủi ro trung bình: 1.0 – 3.0 mg/L.
- Nguy cơ cao: > 3.0 mg/L.
Đây chỉ là một phần trong tổng quy trình đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nguy cơ khác cần được xem xét là mức cholesterol, LDL – C, triglyceride, glucose huyết tương. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, huyết áp cao và tiểu đường cũng làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm CRP
Việc sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả CRP của bạn. Hãy liệt kê các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ được biết, kể cả các loại thuốc không kê đơn.
Bạn sẽ không phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm CRP. Tuy nhiên nếu mẫu máu của bạn cần dùng cho các xét nghiệm bổ sung, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi làm xét nghiệm.2
Việc tập thể dục cường độ cao có thể dẫn đến tăng đột ngột mức CRP của bạn. Bạn cần hạn chế điều này trước khi làm xét nghiệm.2
Giá xét nghiệm CRP và thực hiện xét nghiệm ở đâu?
Một mối quan tâm hàng đầu của người bệnh khi nhắc đến xét nghiệm này là nên làm xét nghiệm CRP ở đâu, lựa chọn cơ sở xét nghiệm trên tiêu chí nào và cần trả bao nhiêu tiền để thực hiện xét nghiệm.
Hiểu được điều đó, 7-Dayslim đã có tổng hợp một số cơ sở xét nghiệm CRP và giá xét nghiệm CRP tham khảo qua bài viết Giá xét nghiệm CRP bao nhiêu và thực hiện ở đâu? Bạn đọc có thể tham khảo!
Phản ứng viêm là một phản ứng phổ biến trong các phản ứng sinh hóa của cơ thể. Tuy nhiên nếu diễn ra quá mức thì nó sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn! Xét nghiệm CRP là một phương pháp y khoa giúp kiểm soát tình trạng này. Mong rằng qua bài viết của 7-Dayslim về xét nghiệm CRP sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin cần thiết để trang bị cho bản thân!