Sinh thiết là một xét nghiệm thường được sử dụng trong y học. Tuy nhiên, đôi khi nó vẫn còn xa lạ với nhiều người. Vậy, xét nghiệm sinh thiết là gì? Tại sao sinh thiết lại quan trọng? Có những loại xét nghiệm sinh thiết nào? Trong bài viết dưới đây, 7-dayslim sẽ giải đáp các vấn đề trên. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Xét nghiệm sinh thiết là gì?
Sinh thiết là một thủ thuật loại bỏ một phần mô hoặc một mẫu tế bào khỏi cơ thể. Sau đó, mẫu sẽ được phân tích ở phòng thí nghiệm để tìm ra các bệnh lý liên quan. Mẫu có thể được lấy từ bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người bệnh.
Sinh thiết được thực hiện khi bệnh nhân có một số triệu chứng nhất định hoặc khi bác sĩ đã phát hiện được vị trí có vấn đề trên cơ thể người bệnh. Sinh thiết có thể xác định bệnh nhân có bị ung thư hay một vấn đề sức khỏe khác hay không.
Tầm quan trọng của xét nghiệm sinh thiết
Sinh thiết thường được thực hiện để xác định hoặc loại trừ nghi ngờ mắc ung thư. Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI, rất hữu ích trong việc phát hiện các khối u hoặc mô bất thường. Tuy nhiên, các phương pháp này không thể phân biệt giữa tế bào ung thư và tế bào không ung thư. Đối với hầu hết bệnh ung thư, cách duy nhất để chẩn đoán là kiểm tra kỹ các tế bào, mô bằng sinh thiết.
Sinh thiết cũng được thực hiện để chẩn đoán các nguyên nhân của triệu chứng. Bao gồm:2
- Rối loạn viêm, chẳng hạn như viêm thận, viêm gan,…
- Nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao,…
- Rối loạn miễn dịch: viêm tụy mãn tính,…
Sinh thiết cũng được thực hiện để người bệnh có phù hợp để cấy ghép nội tạng hay không. Nếu đã được cấy ghép, việc thực hiện sinh thiết có mục đích đảm bảo rằng cơ thể người bệnh không bài trừ phần nội tạng đã được ghép.2
Đôi khi, sinh thiết sẽ giúp bác sĩ định hình liệu pháp điều trị của bệnh nhân. Ví dụ: sinh thiết có thể giúp bác sĩ xác định xem liệu phương án phẫu thuật có phải là lựa chọn điều trị tốt nhất hay không, có phương án điều trị nào khác thay thế được không.2
Các loại xét nghiệm sinh thiết
Sinh thiết kim
Sinh thiết kim là phương pháp dùng một loại kim chuyên dụng đưa qua da để thu thập các tế bào từ vị trí mà bác sĩ nghi ngờ có vấn đề trên cơ thể người bệnh. Đây được gọi là sinh thiết mô qua da.
Sinh thiết kim thường được áp dụng trên các khu vực mà bác sĩ nghi ngờ có vấn đề thông qua việc cảm nhận qua da của bệnh nhân. Ví dụ: khối u ở vú, hạch bạch huyết mở rộng,… Khi được kết hợp với thủ thuật hình ảnh, sinh thiết kim có thể được áp dụng để lấy các tế bào từ vị trí có vấn đề mà bác sĩ không thể cảm nhận được qua da.
Thủ thuật sinh thiết kim bao gồm:
- Chọc hút kim nhỏ. Trong quá trình này, một loại kim dài và mảnh sẽ được đưa vào vị trí sinh thiết. Cùng với đó, một ống tiêm kết nối với kim được dùng để hút chất lỏng và tế bào ra nhằm phục vụ cho việc phân tích.
- Sinh thiết kim lõi. Với loại sinh thiết này, một kim lớn cùng một đầu cắt sẽ được sử dụng để rút một mẫu mô ra khỏi vị trí cần sinh thiết.
- Sinh thiết có hỗ trợ chân không. Phương pháp này có thêm thiết bị hút. Thiết bị này sẽ làm tăng lượng chất lỏng và lượng tế bào được lấy ra qua kim. Điều này giúp làm giảm số lần kim đi vào cơ thể.
- Sinh thiết có hướng dẫn hình ảnh. Sinh thiết có hướng dẫn hình ảnh là phương pháp kết hợp giữa sinh thiết kim với các xét nghiệm hình ảnh như: chụp CT, MRI hoặc siêu âm.
- Sinh thiết có hướng dẫn hình ảnh giúp bác sĩ tiếp cận các vị trí đã nghi ngờ có vấn đề nhưng lại không thể cảm nhận được qua da. Ví dụ như trên gan, phổi hoặc tuyến tiền liệt. Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh sẽ giúp bác sĩ đảm bảo kim đến đúng vị trí cần sinh thiết.
Khi thực hiện sinh thiết kim, bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ để giảm thiểu sự đau đớn.
Nội soi sinh thiết
Trong quá trình nội soi sinh thiết, các bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có đèn chiếu sáng ở đầu để xem các cơ quan bên trong cơ thể người bệnh. Một số dụng cụ đặc biệt được đưa qua ống nhằm lấy một mẫu mô nhỏ phục vụ cho việc phân tích.
Tùy vào vị trí mà người bệnh sẽ được chỉ định loại sinh thiết nội soi khác nhau. Ống nội soi có thể được đưa qua miệng, trực tràng, đường tiết niệu hoặc qua một vết rạch nhỏ trên da của bệnh nhân. Ví dụ: nội soi bàng quang sẽ thu thập mô bên trong bàng quang, nội soi phế quản sẽ lấy mô từ bên trong phổi, nội soi đại tràng sẽ thu thập mô từ bên trong ruột kết,…
Tùy vào loại sinh thiết nội soi mà bệnh nhân sẽ được áp dụng phương pháp vô cảm khác nhau. Ví dụ như: uống thuốc an thần, gây mê,…
Sinh thiết da
Sinh thiết da là phương pháp thu thập các tế bào khỏi bề mặt cơ thể của bệnh nhân. Sinh thiết da được sử dụng thường xuyên nhất để chẩn đoán các tình trạng da, bao gồm ung thư tế bào hắc tố và các bệnh ung thư khác.
Tùy thuộc vào lượng tế bào được cho là có vấn đề và loại ung thư mà bệnh nhân có thể mắc phải, bác sĩ sẽ chỉ định loại sinh thiết da phù hợp. Thông thường, sinh thiết da sẽ bao gồm các loại:
- Sinh thiết cạo. Các bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ tương tự như dao cạo để cạo bề mặt da của bệnh nhân.
- Sinh thiết bấm. Một dụng cụ hình tròn được sẽ được dùng để lấy một phần nhỏ các lớp dưới của da.
- Sinh thiết rạch. Trong sinh thiết rạch, bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ để thu thập một vùng da nhỏ. Tùy thuộc vào diện tích da được thu thập mà bác sĩ có thể khâu vết rạch hoặc không.
- Sinh thiết chuyên dụng. Trong loại này, toàn bộ khối u hoặc vùng da mà bác sĩ nghi ngờ bị bệnh sẽ được lấy. Bác sĩ sẽ khâu vết rạch để đóng vị trí sinh thiết.
Trước khi thực hiện sinh thiết da, bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ.
Sinh thiết tủy xương
Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết tủy xương dựa trên kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân hoặc trong trường hợp nghi ngờ ung thư đang ảnh hưởng đến tủy xương của bệnh nhân.
Tủy xương là vật chất có tính xốp, nằm bên trong một số xương lớn trong cơ thể. Tuy xương là nơi tạo ra các tế bào máu. Việc phân tích mẫu tủy xương có thể cho biết nguyên nhân của các bệnh về máu, cả bệnh ung thư và bệnh không phải ung thư. Ví dụ như: ung thư máu, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, đa u tủy,…
Sinh thiết tủy xương cũng có thể phát hiện bệnh ung thư bắt nguồn từ vị trí khác và đang di căn đến tủy xương người bệnh.
Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu tủy xương từ phần sau xương hông người bệnh bằng một loại kim dài. Một số trường hợp khác, mẫu sinh thiết có thể được lấy từ các xương khác trong cơ thể. Bệnh nhân được gây tê cục bộ hoặc uống một số loại thuốc theo chỉ định để giảm thiểu sự khó chịu trong quá trình sinh thiết.
Sinh thiết phẫu thuật
Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết phẫu thuật nếu không thể tiếp cận các tế bào bằng các loại sinh thiết khác, hoặc nếu kết quả của các loại sinh thiết khác không đưa ra chẩn đoán được.
Bác sĩ sẽ rạch một đường trên da bệnh nhân để tiếp cận vị trí nghi ngờ có vấn đề. Ví dụ: sinh thiết phẫu thuật cắt bỏ khối u vú để chẩn đoán ung thư vú, sinh thiết phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết để chẩn đoán ung thư hạch,…
Phương pháp sinh thiết phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ một phần hoặc tất cả của vùng tế bào được cho là không khỏe.
Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ để làm tê vùng sinh thiết. Một số loại sinh thiết phẫu thuật sẽ yêu cầu gây mê toàn thân. Bệnh nhân có thể cần ở lại bệnh viện sau khi làm sinh thiết.
Quá trình thực hiện sinh thiết và những lưu ý cần biết
Trước khi sinh thiết
Tùy thuộc vào loại sinh thiết, bác sĩ có thể đưa ra một số đề xuất với người bệnh, như:
- Tạm thời ngừng dùng một số loại thuốc, như aspirin hoặc thuốc làm loãng máu.
- Không ăn hoặc uống trước khi làm sinh thiết.
Người bệnh sẽ nói với bác sĩ về:
- Tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thực phẩm chức năng, vitamin và các sản phẩm không kê đơn khác.
- Các loại dị ứng bệnh nhân mắc phải, bao gồm cả dị ứng cao su.
- Các bệnh lý, vấn đề sức khỏe đang mắc phải.
- Cần thông báo với bác sĩ nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc có khả năng đang mang thai.
Trong khi thực hiện sinh thiết
Tùy thuộc vào loại sinh thiết mà quá trình thực hiện có thể diễn ra tại phòng khám của bác sĩ hoặc phòng phẫu thuật. Nếu là loại sinh thiết đơn giản và không gây đau (sinh thiết cạo), người bệnh sẽ không cần gây tê. Với các loại sinh thiết phức tạp hơn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp vô cảm cho bệnh nhân. Đó có thể là thuốc gây tê cục bộ vị trí lấy sinh thiết, thuốc gây tê vùng để làm tê một vùng cơ thể lớn hơn hoặc gây mê toàn thân.
Sau khi phương pháp vô cảm phát huy tác dụng, quá trình sinh thiết được diễn ra. Sau khi sinh thiết, tế bào hoặc mẫu mô của bệnh nhân sẽ được tiến hành phân tích.
Sau khi thực hiện sinh thiết
Thông thường, sinh thiết là thủ thuật đơn giản và người bệnh sẽ được gây tê cục bộ. Người bệnh cũng không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm trong cái trường hợp này.
Nhưng với một số loại sinh thiết, chẳng hạn như loại cần lấy mẫu mô từ cơ quan nội tạng, bệnh nhân có thể được chỉ định gây mê toàn thân và khâu đóng vết rạch. Khi này, người bệnh sẽ cần phải ở lại bệnh viện qua đêm để hồi phục sau gây mê. Việc nằm lại bệnh viện cũng giúp y bác sĩ đảm bảo không có tình trạng chảy máu bên trong.
Sau khi sinh thiết, người bệnh thường sẽ không cảm thấy đau. Nhưng trong trường hợp mẫu mô được lấy từ tủy xương hoặc một cơ quan chính, chẳng hạn như gan, bệnh nhân có thể cảm thấy đau âm ỉ. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau để giúp giảm bớt tình trạng này.
Tình trạng chảy máu nghiêm trọng sau sinh thiết là rất hiếm. Nếu có, người bệnh có thể phải phẫu thuật hoặc được truyền máu.
Bệnh nhân nữ thực hiện sinh thiết lấy mẫu mô từ cơ quan sinh sản (chẳng hạn như niêm mạc cổ tử cung) có thể bị chảy máu âm đạo nhẹ tạm thời.
Xét nghiệm sinh thiết bao lâu có kết quả?
Thời gian nhận lại kết quả sinh thiết có thể phụ thuộc vào việc phân tích mẫu thử được thực hiện ngay tại bệnh viện hay phải gửi đi các đơn vị khác. Thông thường, kết quả thường có trong vòng vài ngày, thường là dưới 10 ngày.2
Trong một vài phương pháp sinh thiết, bác sĩ có thể chẩn đoán và kết luận ngay sau khi lấy mẫu tế bào hoặc mô của người bệnh.
Kết quả xét nghiệm sinh thiết có chính xác không?
Sinh thiết có độ chính xác cao. Các bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi chuyên dụng để xem xét các tế bào trong mẫu thử của bệnh nhân.
Một số rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện sinh thiết
Sinh thiết có thể gây ra một số rủi ro, bao gồm:
- Chảy máu.
- Nhiễm trùng.
- Sẹo tại vị trí sinh thiết.
Thông báo ngay với y bác sĩ nếu sau sinh thiết người bệnh có triệu chứng:
- Sốt, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Chảy máu không ngừng tại vị trí sinh thiết.
- Nổi mẩn đỏ, sưng tấy hoặc rỉ dịch từ vị trí sinh thiết.
Sinh thiết có an toàn với phụ nữ mang thai và trẻ em không?
Sinh thiết có an toàn với phụ nữ mang thai không?
Trước khi sinh thiết, hãy báo với bác sĩ nếu bệnh nhân đang có thai hoặc nghi ngờ có thai. Bác sĩ sẽ không thực hiện một số phương pháp hướng dẫn hình ảnh. Lý do là vì bức xạ có thể gây hại cho thai nhi.
Nếu đang mang thai, người bệnh có thể phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung trước khi làm sinh thiết. Các biện pháp này phụ thuộc vào loại sinh thiết và vị trí thực hiện. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về tác động của sinh thiết đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.2
Sinh thiết có an toàn với trẻ em không?
Sinh thiết có an toàn với trẻ nhỏ không? là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.
Quy trình sinh thiết ở trẻ em và người lớn là giống nhau. Sinh thiết ở trẻ cũng có thể có một số rủi ro như người lớn. Nhưng nhìn chung, sinh thiết là biện pháp an toàn. Phụ huynh có thể trao đổi với bác sĩ về những biện pháp giảm bớt sự lo lắng và cơn đau với trẻ em.2
Ý nghĩa của một số xét nghiệm sinh thiết thường gặp
Xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung là gì?
Sinh thiết cổ tử cung là một phương pháp loại bỏ mô từ cổ tử cung để kiểm tra các tình trạng bất thường như tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Sinh thiết cổ tử cung có thể thu thập một hoặc toàn bộ các mẫu mô bất thường để xét nghiệm.
Sinh thiết cổ tử cung bao gồm các loại:
- Sinh thiết bấm. Quy trình này sử dụng một lưỡi dao tròn, giống như một chiếc dùi lỗ trên giấy, để lấy mẫu sinh thiết. Sinh thiết bấm có thể được thực hiện trên các vùng khác nhau của cổ tử cung.
- Sinh thiết chóp cổ tử cung. Thủ thuật này sử dụng tia laser hoặc dao mổ để lấy một mẫu mô lớn hình nón từ cổ tử cung.
- Nạo nội mạc cổ tử cung (ECC). Thủ thuật này sử dụng một dụng cụ hẹp để nạo lớp niêm mạc của ống nội mạc cổ tử cung. Đây là khu vực không thể nhìn thấy từ bên ngoài cổ tử cung.
Sinh thiết cổ tử cung có thể được thực hiện khi bác sĩ phát hiện những bất thường trong quá trình thăm khám vùng chậu, trong quá trình xét nghiệm PAP hoặc khi xét nghiệm dương tính với vi rút u nhú HPV.
Sinh thiết cổ tử cung có thể được thực hiện để xác định bệnh ung thư. Phương pháp này cũng có thể giúp tìm tế bào tiền ung thư trên cổ tử cung. Tế bào tiền ung thư có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư sẽ phát triển trong nhiều năm sau đó.
Sinh thiết cổ tử cung cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán và giúp điều trị những tình trạng sau:
- Mụn cóc sinh dục. Đây là dấu hiệu người bệnh đã nhiễm vi rút HPV. HPV là một yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung.
- Tiếp xúc với Diethylstilbestrol (DES) nếu có mẹ dùng DES trong thời kỳ mang thai. DES làm tăng nguy cơ ung thư hệ thống sinh sản.
- Một vài lý do khác.
Xét nghiệm sinh thiết tuyến giáp
Trong quá trình thực hiện sinh thiết tuyến giáp, bác sĩ sẽ lấy một ít tuyến giáp hoặc các cục u (còn gọi là nốt) phát triển trên đó để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Trước khi làm sinh thiết tuyến giáp, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu và các xét nghiệm hình ảnh để xem tuyến giáp hoạt động như thế nào. Nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện sinh thiết.
Việc sinh thiết tuyến giáp sẽ giúp phát hiện:
- Các u nang, nốt chứa đầy dịch gây tình trạng đau cổ hoặc khó nuốt. Tình trạng này hiếm khi phát triển thành bị ung thư nhưng vẫn cần điều trị.
- Bệnh Graves (bướu cổ basedow), đây là bệnh lý khiến tuyến giáp phát triển và tạo ra quá nhiều hormone.
- Bệnh Hashimoto.
- Nhiễm trùng, tình trạng gây đau và sưng tuyến giáp.
- Các nốt sần hoặc bướu lớn gây trở ngại cho bệnh nhân bởi kích thước của chúng. Chúng có đè lên các bộ phận xung quanh và khiến người bệnh khó thở hoặc khó nuốt.
- Các nốt hoặc bướu độc (thông thường không phải là ung thư) khiến tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone.
- Ung thư, bệnh lý chiếm khoảng 10% các trường hợp.
Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết tuyến giáp nếu trên tuyến giáp bệnh nhân có nốt lớn hơn 1cm. Đặc biệt khi xét nghiệm hình ảnh cho thấy đó là nốt rắn, có canxi và không có đường viền rõ ràng. Bệnh nhân vẫn có thể được chỉ định sinh thiết tuyến giáp nến bị đau nhiều dù họ không có các cục u trên tuyến giáp.
Các loại sinh thiết tuyến giáp:
- Chọc hút bằng kim nhỏ.
- Sinh thiết kim lõi.
- Sinh thiết phẫu thuật.
Xét nghiệm sinh thiết phổi
Nếu phát hiện ra điều khác thường trên phim chụp X-quang hoặc CT ngực của bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu làm sinh thiết phổi. Một mẫu tế bào nhỏ từ phổi người bệnh sẽ được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu của bệnh.
Sinh thiết phổi cũng được thực hiện để tìm ra nguyên nhân phổi có dịch hoặc để chẩn đoán ung thư.
Các thủ thuật sinh thiết phổi:
- Nội soi sinh thiết phế quản (Sinh thiết xuyên phế quản).
- Sinh thiết kim phổi (Sinh thiết xuyên lồng ngực).
- Sinh thiết phổi qua nội soi lồng ngực (Thoracoscopy).
- Sinh thiết phẫu thuật phổi.
Xét nghiệm sinh thiết ga
Sinh thiết gan là phương pháp loại bỏ một mảnh mô gan nhỏ và phân tính nó để tìm các dấu hiệu của bệnh lý liên quan. Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết gan nếu xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh cho thấy bệnh nhân có thể có vấn đề về gan. Sinh thiết gan cũng được sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh gan. Từ đó, giúp bác sĩ định hướng liệu pháp điều trị.
Loại sinh thiết gan phổ biến nhất là sinh thiết gan qua da.
Sinh thiết gan có thể được thực hiện để:
- Chẩn đoán vấn đề về gan không xác định được bằng các xét nghiệm khác.
- Xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh gan.
- Giúp định hướng các kế hoạch điều trị dựa trên tình trạng của gan.
- Xác định mức độ hiệu quả của liệu trình điều trị bệnh gan.
- Theo dõi sau khi ghép gan.
Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết gan nếu bạn có:
- Kết quả xét nghiệm gan bất thường mà không giải thích được.
- Một khối u hoặc các bất thường khác trên gan dựa vào các xét nghiệm hình ảnh.
- Sốt liên tục, không rõ nguyên nhân.
Sinh thiết gan cũng thường được thực hiện để chẩn đoán và phân loại một số bệnh về gan. Bao gồm:
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Viêm gan B hoặc C mãn tính.
- Viêm gan tự miễn.
- Bệnh gan do rượu.
- Xơ gan mật tiên phát.
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát.
- Bệnh Wilson.
Xét nghiệm sinh thiết dạ dày
Sinh thiết và nuôi cấy mô dạ dày, còn được gọi là sinh thiết dạ dày. Đây là một thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán một loạt các bệnh lý, bao gồm cả viêm loét dạ dày.
Bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết mô dạ dày nếu một người bị đau bụng, sụt cân hoặc phân có thay đổi bất thường để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng này. Sinh thiết dạ dày cũng cũng có thể được chỉ định nếu không tìm ra nguyên nhân của vấn đề dạ dày sau khi khám sức khỏe ban đầu, kiểm tra hơi thở hoặc xét nghiệm máu.
Sinh thiết dạ dày thường được chỉ định nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:
- Đi tiêu phân đen.
- Đau hoặc khó chịu trong dạ dày.
- Buồn nôn và nôn.
- Sụt cân đột ngột.
- Chán ăn.
Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô dạ dày và phân tích nó để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ thường sẽ xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter Pylori. Đây là nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày và các vấn đề về tiêu hóa. Bác sĩ cũng có thể phân tích mô để xác định ung thư.
Kết quả phân tích bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn, viêm hoặc ung thư dạ dày.
Xét nghiệm sinh thiết ở đâu? Xét nghiệm sinh thiết bao nhiêu tiền?
Xét nghiệm sinh thiết là một trong những phương pháp được thực hiện phổ biến hiện nay. Vì thế, trên cả nước có rất nhiều đơn vị thực hiện sinh thiết. Người bệnh thường sẽ thắc mắc nên thực hiện xét nghiệm sinh thiết ở đâu? Giá xét nghiệm sinh thiết là bao nhiêu? Để đảm bảo được sự an toàn trong quá trình sinh thiết, độ chính xác của kết quả cũng như những tư vấn hợp lý sau sinh thiết, người bệnh và gia đình nên thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín.
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Xét nghiệm sinh thiết bao nhiêu tiền? Xét nghiệm sinh thiết ở đâu? của 7-Dayslim để tìm hiểu các tiêu chí đánh giá độ uy tín của cơ sở xét nghiệm. Đồng thời, trong bài viết này, 7-Dayslim cũng tổng hợp một số đơn vị xét nghiệm trên cả nước kèm theo bảng giá tham khảo. Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu nhé!
Qua bài viết trên, Bác sĩ hy vọng đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc về xét nghiệm sinh thiết. Dù thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào, bạn đọc và gia đình nên chọn những đơn vị uy tín, có giấy phép từ cơ sở y tế để đảm bảo tính an toàn và chính xác nhé!