Có nhiều nguyên nhân khiến da bị vảy nến như di truyền, chấn thương, bỏng nắng, stress kéo dài… Tìm hiểu bệnh vảy nến là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh vảy nến.
Bệnh vảy nến là một bệnh da liễu, có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng khi chúng ta không phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng 7-Dayslim tìm hiểu về tình trạng bệnh vảy nến cũng như nguyên nhân và cách phòng tránh vảy nến nhé!
Bệnh vảy nến là gì?
Bệnh vảy nến là bệnh da liễu với đặc trưng xuất hiện những vùng da khác thường. Những vùng da mới này thường có màu đỏ, đóng vảy và ngứa ngáy. Lượng tế bào da này sẽ liên tục xuất hiện trên bề mặt da và mất đi.
Khi đó, những vùng da này sẽ có những vảy trắng bao phủ những mảng đỏ. Bệnh vảy nến có thể xuất hiện cố định một vùng cụ thể hoặc lan ra khắp toàn thân.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh rõ ràng được nguyên nhân gây bệnh vảy nến, nhưng bệnh này có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và có sự xuất hiện của cytokine.
Trong đó, các tế bào lympho T trong cơ thể người bệnh có thể nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công chúng, làm các tế bào bị tổn thương. Có 2 yếu tố chính được cho là thuận lợi gây ra bệnh vảy nến bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Thường có 2 kiểu bệnh rõ ràng trong vảy nến là kiểu khởi phát sớm và khởi phát muộn. Bệnh vảy nến khởi phát sớm thường diễn ra từ 15 đến 22 tuổi. Kiểu này có liên quan tới yếu tố di truyền, diễn tiến khá bất ổn và lan rộng toàn cơ thể. Ngược lại, kiểu vảy nến khởi phát muộn thường gặp ở độ tuổi từ 56 đến 60 tuổi sẽ nhẹ hơn và ít có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Yếu tố ngoại sinh: Các yếu tố môi trường làm khởi phát bệnh ở những người có sẵn yếu tố di truyền tiềm ẩn hoặc khiến triệu chứng nặng thêm như do: Chấn thương, bỏng nắng, stress kéo dài, nhiễm trùng da, phẫu thuật hay dùng một số loại thuốc như beta blockers, corticosteroid,… một thời gian dài.
Đối tượng có nguy cơ mắc vảy nến?
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao bao gồm: Những người thường xuyên uống bia, rượu, thuốc lá, người đang bị nhiễm trùng da. Nhìn chung, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh vảy nến, tuy nhiên bệnh thường khởi phát trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi.
Triệu chứng bệnh vảy nến
Triệu chứng cơ bản của bệnh vảy nến là xuất hiện những mảng da dày, màu đỏ được bao phủ bởi các lớp vảy trắng. Ngoài ra, bệnh vảy nến còn có các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh như:
- Vảy nến mảng bám: Xuất hiện các mảng da đỏ ở vùng khuỷu tay, đầu gối và dưới lưng.
- Vảy nến mụn mủ: Nổi các mụn mủ ở da tay và chân.
- Vảy nến da đầu: Những mảng da dày màu trắng bạc xuất hiện trên đầu.
- Vảy nến đảo ngược, nếp gấp: Tại các vùng nếp gấp của da như: Dưới nách, háng, mông,..xuất hiện tổn thương.
- Vảy nến thể giọt: Xuất hiện các tổn thương có dạng giọt nước khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em.
- Viêm khớp vảy nến: Các khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối có hiện tượng sưng đỏ.
- Vảy nến móng tay, móng chân: Móng dày bất thường và xuất hiện những lỗ nhỏ trên bề mặt.
Khi nào cần đi khám?
Người bệnh cần tới gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị khi thấy những triệu chứng bất thường như:
- Triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc lan rộng hơn.
- Các vết vảy nến gây khó chịu và đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bình thường.
- Xuất hiện các vấn đề ở khớp, chẳng hạn như đau khớp, sưng khớp…
Vảy nến có chữa khỏi không?
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu chắc chắn được nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến nên cũng chưa tìm được điều trị dứt điểm bệnh này. Các biện pháp điều trị có chung mục tiêu chính là giảm viêm và kiểm soát tình trạng phát triển tế bào da, giúp người bệnh ngăn ngừa và hạn chế tối đa bệnh trở nặng.
Phương pháp điều trị có thể kể đến như: Điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân, quang trị liệu hoặc sử dụng thuốc sinh học có tác dụng ức chế tế bào,…
Phòng ngừa bệnh vảy nến
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế diễn tiến bệnh vảy nến. Những thói quen sau có thể được áp dụng:
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của các y, bác sĩ
- Chăm sóc da cẩn thận, giữ gìn vệ sinh, tránh để da bị khô và tổn thương.
- Định kỳ khám da liễu
- Giữ trạng thái tinh thần ổn định, không để bị trầm cảm hay stress quá mức.
- Tránh ánh nắng gắt chiếu trực tiếp lên da.
- Không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp
Trên đây là thông tin mà 7-Dayslim đã tổng hợp để giải đáp câu hỏi “Bệnh vảy nến là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh vảy nến”. Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích đối với bạn.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống
Chọn mua rau củ, trái cây chất lượng tại 7-Dayslim để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể nhé:
7-Dayslim