Bạn hay người thân được chẩn đoán bị polyp mũi? Bạn đang lo lắng không biết đây là bệnh gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ? Có phải là ung thư không? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn rõ hơn về bệnh polyp mũi. Qua đó, bạn tự có quyết định đúng đắn trong việc chữa trị căn bệnh này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Polyp mũi là gì?
Polyp mũi là những khối mềm, không đau, không phải ung thư. Chúng phát triển trên niêm mạc mũi xoang (lớp lót bên trong hốc mũi hoặc lòng xoang). Chúng có hình dạng như giọt nước hay chùm nho. Polyp mũi hình thành do quá trình viêm lâu dài của niêm mạc mũi xoang.
Nó thường có liên quan tới các bệnh lý như: hen suyễn, nhiễm trùng, dị ứng hay một số rối loạn tự miễn (bất thường hệ thống miễn dịch của cơ thể).
Những polyp mũi nhỏ có thể không gây ra triệu chứng gì. Polyp lớn hay nhiều polyp có thể làm tắc nghẽn (nghẹt) hốc mũi và dẫn tới các vấn đề về hít thở, gây mất ngửi hay thường xuyên nhiễm trùng.
Triệu chứng Polyp mũi
Polyp mũi liên quan đến tình trạng niêm mạc mũi xoang bị kích thích và viêm kéo dài hơn 12 tuần (tức là bệnh viêm mũi xoang mạn tính). Tuy nhiên, không phải lúc nào trong bệnh viêm mũi xoang mạn tính cũng xuất hiện polyp mũi.
Các polyp mũi mềm và ít gây cảm giác. Nên với những polyp nhỏ, bạn sẽ không có cảm giác gì. Polyp lớn hay nhiều polyp có thể làm tắc nghẽn đường thoát dịch của mũi xoang dẫn đến tích tụ chất nhầy và vi khuẩn. Điều này khiến mũi xoang dễ bị nhiễm trùng hơn.
Những biểu hiện thường gặp của viêm mũi xoang mạn tính có hiện diện polyp mũi bao gồm:
- Chảy mũi.
- Nghẹt mũi liên tục.
- Chảy mũi sau.
- Giảm hay mất cảm giác ngửi (mất mùi).
- Mất vị giác.
- Đau nhức đầu mặt.
- Đau nhức răng hàm trên.
- Ngáy.
- Thường xuyên chảy máu mũi.
Nguyên nhân
Polyp được hình thành tại niêm mạc tiết nhầy trong mũi xoang. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong hốc mũi và các xoang.
Khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về nguyên nhân gây ra polyp mũi. Người ta cũng chưa giải thích được tại sao quá trình viêm kéo dài khiến polyp hình thành ở người này nhưng không hình thành ở người khác.
Vài bằng chứng cho thấy, người có polyp phát triển thì hệ thống miễn dịch có những đáp ứng khác so với người bình thường. Trong lớp nhầy của họ có chứa các chất khác biệt so với lớp nhầy ở những người không xuất hiện polyp.
Các triệu chứng của dị ứng, bao gồm chảy mũi, hắc hơi và ngứa mũi… làm cho người bệnh có nhiều khả năng hình thành polyp hơn. Viêm xoang cũng đóng vai trò quan trọng trong hình thành polyp.
Polyp mũi có các mức độ nào?
Bệnh có 4 mức độ sau đây:
- Mức độ 1: Khối polyp còn nhỏ, chỉ có thể phát hiện bằng nội soi mũi xoang.
- Mức độ 2: Khối polyp phát triển vừa, có thể phát hiện nếu khám mũi bằng đèn Clar (đèn đội đầu trong khám tai mũi họng).
- Mức độ 3: Khối polyp to lên và lấp hết hốc mũi. Nó làm nghẹt mũi và gây ảnh hưởng đến việc thở qua mũi, ngửi. Chỉ cần dùng ngón tay nâng đỉnh mũi lên rồi soi gương cũng có thể nhìn thấy dễ dàng.
- Mức độ 4: Khối polyp phát triển quá lớn khiến hốc mũi bị lấp kín mít và ló ra ngoài mũi. Lúc này khối polyp hơi đục và chắc, có thể quan sát được rõ ràng.
Ai có thể bị?
Bất cứ ai cũng có thể bị, nhưng bệnh thường gặp nhất ở những người trên 40 tuổi. Nam giới mắc bệnh gấp đôi nữ. Trẻ dưới 10 tuổi hiếm khi bị polyp mũi. Nếu có, bác sĩ sẽ khám để tìm các dấu hiệu của bệnh xơ nang ở trẻ.
Điều gì khiến bạn dễ mắc polyp mũi hơn?
Bất cứ tình trạng nào làm cho mũi xoang bị kích thích và viêm kéo dài đều làm tăng nguy cơ mắc polyp mũi, ví dụ như nhiễm trùng hay dị ứng.
Polyp mũi thường liên quan tới các tình trạng sau:
- Viêm mũi dị ứng.
- Hen suyễn.
- Nhạy cảm thuốc Aspirin.
- Viêm xoang.
- Các nhiễm trùng cấp hay mạn tính khác tại mũi xoang.
- Dị vật trong mũi bị bỏ quên.
- Bệnh xơ nang: Là bệnh di truyền dẫn đến làm dày và dính các dịch trong cơ thể, làm dày lớp nhầy niêm mạc mũi xoang.
- Hội chứng Churg-Strauss: Một bệnh hiếm gây viêm các mạch máu.
- Thiếu vitamin D: Xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ vitamin D.
- Gia đình có người mắc polyp mũi. Vài đột biến di truyền liên quan đến chức năng hệ thống miễn dịch làm cho bạn có nhiều khả năng mắc polyp mũi.
Polyp mũi có thể gây ra những biến chứng gì nếu không điều trị?
Polyp mũi lớn hay nhiều polyp mũi có thể ngăn cản dòng không khí và dẫn lưu dịch trong mũi xoang, dẫn đến các hậu quả sau:
- Chứng ngưng thở khi ngủ.
- Làm bùng phát cơn hen suyễn: Viêm xoang mạn tính kèm polyp mũi có thể khiến bệnh hen nặng hơn và làm cơn hen cấp xuất hiện nhiều hơn.
- Nhiễm trùng xoang: Polyp mũi có thể khiến bạn dễ bị mắc viêm xoang tái phát nhiều lần.
Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Triệu chứng của viêm xoang mạn tính và polyp mũi cũng có thể giống với rất nhiều bệnh lý khác, ví dụ như bệnh cảm thông thường. Bạn nên đến khám bác sĩ nếu các biểu hiện trên kéo dài hơn 10 ngày.
Hãy đến bệnh viện ngay khi bạn có những triệu chứng sau:
- Các biểu hiện trên đột ngột xấu đi.
- Khó thở dữ dội.
- Nhìn đôi (nhìn 1 hình thành 2 hình).
- Nhìn mờ hay giảm cử động mắt (khó liếc mắt qua lại hay lên xuống).
- Sưng nề nặng quanh mắt.
- Đau đầu nhiều hơn kèm với sốt cao hay không thể gập cổ về phía trước.
Khi nào thì bạn cần phẫu thuật và bệnh có các phương pháp điều trị ra sao? Tìm hiểu trong bài viết: Polyp mũi: Có những cách điều trị nào? Khi nào cần phẫu thuật?
Polyp mũi không phải là ung thư. Nó hình thành do niêm mạc mũi xoang bị viêm kéo dài. Triệu chứng của polyp mũi có thể dễ lầm với các bệnh lý thông thường khác. Nếu các biểu hiện nêu trên kéo dài hay các triệu chứng đột ngột nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp