Tự kỷ, bệnh tự kỷ, chứng tự kỷ là những tên thông dụng chúng ta gọi cho rối loạn tự kỷ. Tên gọi mới của rối loạn này là rối loạn phổ tự kỷ (Autistic Spectrum Disorder – ASD).
Đây là một rối loạn phổ biến, ước tính có khoảng khoảng 1% dân số thế giới mắc (62,2 triệu người trên toàn cầu) vào năm 2015. Cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, tự kỷ rất phức tạp. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ nhìn đơn thuần vào biểu hiện bên ngoài và nói rằng rằng ai đó bị tự kỷ.
1. Rối loạn phổ tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một rối loạn phát triển kéo dài. Nó ảnh hưởng đến cách một người nhận thức về thế giới và tương tác với người khác. Người mắc rối loạn nhìn, nghe và cảm nhận thế giới khác với người bình thường. Biểu hiện của người mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể kéo dài suốt đời.
Đây không phải là một căn bệnh như cảm cúm, có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Một số người vẫn có thể đảm bảo các chức năng cuộc sống như đi làm, chung sống với người khác hay tự chăm sóc. Nhưng họ vẫn sẽ có những bản sắc nền tảng của rối loạn phổ tự kỷ.
Một số người mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể có các khuyết tật về mặt học tập, một số khác thì không. Một số người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu nhưng một số khác thì không. Điều này có nghĩa là với mỗi người sẽ cần các mức hỗ trợ khác nhau.
Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả người bị rối loạn tự kỷ đều có thể học tập và phát triển. Vì vậy, với sự hỗ trợ đúng đắn, họ đều có thể sống một cuộc sống trọn vẹn.
2. Người mắc rối loạn phổ tự kỷ nhìn nhận thế giới như thế nào?
Một số nói rằng, sống trong xã hội của người bình thường là không dễ dàng với họ.
Cụ thể, hiểu và kết nối với người khác, tham gia vào đời sống gia đình, trường học, công việc và xã hội hằng ngày là những việc khó khăn với họ. Với người bình thường, chúng ta hiểu, nhận biết nối kết với người khác bằng trực giác, giao tiếp và tương tác với nhau một cách tự nhiên.
Người bị tự kỷ luôn phải nỗ lực để xây dựng mối quan hệ với những người khác. Họ có thể luôn tự hỏi: “Tại sao tôi lại “khác biệt” như vậy?”. Điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu mọi người xung quanh vẫn có định kiến và không hiểu cho họ.
3. Cách phân loại rối loạn phổ tự kỷ khác nhau như thế nào?
DSM (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) xuất bản và được các chuyên gia lâm sàng sử dụng để chẩn đoán nhunwgx rối loạn tâm thần. Phiên bản thứ năm (phiên bản gần đây nhất của DSM đã được phát hành vào năm 2013) có tên DSM-5. DSM-5 hiện công nhận năm loại yếu tố phụ khác nhau với rối loạn phổ tự kỷ, gồm:
- Có hoặc không kèm theo suy giảm trí tuệ.
- Có hoặc không kèm theo suy giảm ngôn ngữ.
- Liên quan đến một tình trạng y tế hoặc di truyền hoặc yếu tố môi trường đã biết.
- Liên quan đến một rối loạn phát triển thần kinh, tâm thần hoặc hành vi.
- Kèm theo căng trương lực.
Một người có thể được chẩn đoán với một hoặc nhiều yếu tố phụ.
Phiên bản DSM-5 là phiên bản đầu tiên đề cập đến rối loạn phổ tự kỷ. Ở các phiên bản trước, rối loạn phổ tự kỷ bao gồm các chẩn đoán sau:
- Rối loạn tự kỷ (Autistic Disorder).
- Hội chứng Asperger.
- Rối loạn phát triển lan tỏa (PDD-NOS).
- Hội chứng Heller (childhood disintegrative disorder – CDD).
4. Triệu chứng
Các triệu chứng tự kỷ thường trở nên rõ ràng trong thời thơ ấu, từ 12 đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn.
Các triệu chứng sớm có thể bao gồm chậm nói hoặc phát triển xã hội.
DSM-5 chia các triệu chứng tự kỷ thành hai loại: các vấn đề về giao tiếp – tương tác xã hội và các mô hình hành vi, hoạt động bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại.
Các vấn đề về giao tiếp và tương tác xã hội bao gồm:
- Vấn đề về giao tiếp, bao gồm những khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc, chia sẻ sở thích hoặc duy trì cuộc trò chuyện qua lại.
- Các vấn đề với giao tiếp phi ngôn ngữ, chẳng hạn như sự cố duy trì giao tiếp bằng mắt hoặc hiểu ngôn ngữ cơ thể.
- Khó khăn trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ.
Các mẫu hành vi hoặc hoạt động bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại bao gồm:
- Chuyển động lặp đi lặp lại hoặc lặp đi lặp lại lời nói.
- Tuân thủ cứng nhắc các thói quen hoặc hành vi cụ thể.
- Tăng hoặc giảm độ nhạy cảm với thông tin cảm giác cụ thể từ môi trường xung quanh, chẳng hạn như phản ứng với những âm thanh cụ thể.
- Sở thích cố định, rập khuôn.
5. Chẩn đoán
Chẩn đoán rối lạn phổ tự kỷ do một nhóm chẩn đoán đa ngành, thường bao gồm một nhà trị liệu âm ngữ, bác sĩ tâm thần nhi và chuyên viên tâm lý lâm sàng nhi đưa ra.
Các chuyên gia có thể đánh giá dựa trên những công cụ đo lường hoặc tiêu chuẩn chẩn đoán (như DSM-5) và đánh giá cụ thể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Ví dụ, một chuyên gia khi chẩn đoán ASD theo DSM-5 phải đánh giá được một người phải thỏa ít nhất 3 triệu chứng trong nhóm thứ nhất (các vấn đề về giao tiếp và tương tác xã hội) và ít nhất 2 triệu chứng trong nhóm thứ hai (các mẫu hành vi hoặc hoạt động bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại). Nó cũng phải kết hợp với những vấn đề bắt đầu rõ ràng từ thời thơ ấu và các chẩn đoán phân biệt với các rối loạn tâm thần khác.
>> Khi đưa trẻ đi chẩn đoán, cha mẹ cần chuẩn bị những gì? Tìm hiểu thêm trong bài viết: Những thông tin cần biết trước khi đưa bé tự kỷ đi gặp bác sĩ
Lợi ích của chẩn đoán
Nhận được đánh giá và chẩn đoán kịp thời và kỹ lưỡng có thể hữu ích vì:
- Nó giúp người mắc rối loạn (và gia đình, người chăm sóc, đối tác hôn nhân, đồng nghiệp, giáo viên, bạn bè của họ) hiểu lý do tại sao họ có những khó khăn nhất định và những gì họ có thể làm để giúp.
- Giúp các bên liên quan tìm kiếm những dịch vụ hỗ trợ phù hợp và sớm.
6. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này vẫn chưa được xác định. Các nghiên cứu mới nhất chứng minh rằng tự kỷ không có nguyên nhân duy nhất.
Một số yếu tố nguy cơ nghi ngờ mắc bệnh tự kỷ bao gồm:
- Có một thành viên gia đình bị bệnh.
- Đột biến gen.
- Hội chứng X mong manh và các rối loạn di truyền khác.
- Được sinh ra từ cha mẹ lớn tuổi.
- Cân nặng khi sinh thấp.
- Mất cân bằng trao đổi chất.
- Tiếp xúc với kim loại nặng và độc tố môi trường.
- Tiền sử nhiễm virus.
- Thai nhi tiếp xúc với thuốc valproic acid (Depakene) hoặc thalidomide (Thalomid).
Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ (NINDS), cả di truyền và môi trường đều là yếu tố quyết định liệu một người có bị tự kỷ hay không.
7. Điều trị
Không có phương pháp “chữa khỏi bệnh” nào đối với rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, các liệu pháp có thể giúp người mắc rối loạn phát triển những kỹ năng toàn diện để thích nghi với cuộc sống. Những can thiệp này nên được cân nhắc càng sớm càng tốt.
Nhiều can thiệp có thể kể đến như:
- Trị liệu hành vi.
- Trị liệu trò chơi.
- Vận động trị liệu.
- Trị liệu ngôn ngữ.
- Can thiệp hỗ trợ chăm sóc – giáo dục.
Tuy nhiên, kết quả điều trị sẽ khác nhau. Một số người có thể đáp ứng tốt với các phương pháp này. Trong khi những người ở mức độ khác thì cần những can thiệp khác phù hợp hơn.
8. Rối loạn phổ tự kỷ ở người trưởng thành
Các gia đình có người thân mắc rối loạn phổ tự kỷ luôn lo lắng cho cuộc sống của họ khi trưởng thành. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu.
Một số ít người trưởng thành có thể tiếp tục sống hoặc làm việc độc lập. Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn phải cần phải có người bên cạnh chăm sóc trong suốt cuộc đời của họ.
Tìm kiếm các liệu pháp và can thiệp từ sớm với người mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể giúp họ sự độc lập hơn trong cuộc sống. Họ có khả năng tự chăm sóc, làm việc, hòa nhập với người xung quanh và chất lượng cuộc sống của họ cũng tốt hơn.
9. Vì sao cần nhận thức đúng về tự kỷ?
Đôi khi, những người tự kỷ không được chẩn đoán từ nhỏ. Họ chỉ được chẩn đoán khi đến tuổi trường thành hoặc đến lúc cuối đời. Điều này có thể gây tổn thất to lớn đến cá nhân họ, gia đình và xã hội. Sự thiếu nhận thức trước đây của xã hội và hệ thống y tế là nguyên nhân.
Tháng 4 là tháng tự kỷ thế giới. Có thể hiểu đây là tháng nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ đã kêu gọi việc nhận thức đúng đắn về căn bệnh này quanh năm (365 ngày).
Nếu toàn xã hội nhận thức về tự kỷ cũng giúp cho người mắc bệnh có thể được phát hiện sớm và có những hỗ trợ phù hợp, giảm bớt gánh nặng cá nhân, gia đình và xã hội. Họ sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ để phát triển và xây dựng một cuộc sống phù hợp với riêng mình.