Vỡ giọng có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi, giới tính nào. Con người ai cũng có giọng nói – trừ một số hiếm trường hợp – nên ai cũng có thể bị vỡ giọng. Nhưng tại sao lại như vậy? Sau đây là một số thông tin 7-dayslim sẽ cung cấp để giúp bạn hiểu thêm về điều này.
1. Các cấu trúc hình thành nên giọng nói
Âm sắc và âm lượng của giọng nói là kết quả từ sự kết hợp của:
- Không khí được đẩy ra từ phổi.
- Sự rung động của hai mảnh mô song song gọi là dây thanh.
- Các cử động của cơ trong và xung quanh thanh quản, còn gọi là chiếc hộp âm thanh của con người.
Khi bạn nói chuyện hay ca hát và thay đổi cao độ và cường độ, cơ thanh quản đóng và mở cũng như siết chặt và nới lỏng dây thanh.
Khi giọng của bạn tăng cao độ, dây thanh sẽ đẩy sát vào nhau và căng ra. Còn khi giọng của bạn trầm xuống, dây thanh sẽ rời ra nhau và nới lỏng.
Vỡ giọng xảy ra khi các cơ này đột ngột căng ra, thu ngắn, hay siết chặt lại. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra vỡ giọng. Hãy đọc tiếp phần sau để tìm hiểu về các vấn đề này và bạn có thể làm gì để xử lý chúng.
2. Nguyên nhân gây vỡ giọng
Sau đây là tổng quan về một số nguyên nhân thường gặp gây ra vỡ giọng.
2.1 Dậy thì
Dậy thì là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra vỡ giọng.
Loại vỡ giọng này cũng hoàn toàn là bình thường. Khi các cậu bé (và cô bé, dù ít bị tác động hơn) trải qua tuổi dậy thì, sự sản xuất hoóc-môn sẽ tăng mạnh mẽ giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển các đặc điểm mới, còn gọi là các đặc điểm sinh dục.
Các đặc điểm này bao gồm mọc lông ở các vị trí như nách và bẹn cũng như phát triển tuyến vú và tinh hoàn.
Một vài thứ cũng sẽ xảy ra với thanh quản trong giai đoạn này như:
- Thanh quản di chuyển đi xuống.
- Dây thanh lớn hơn và dày hơn.
- Các cơ và dây chằng quanh thanh quản phát triển.
- Niêm mạc dây thanh phân chia nhiều lớp mới.
Sự thay đổi đột ngột về kích thước, hình dáng, và độ dày có thể làm mất ổn định cử động của dây thanh khi bạn nói chuyện. Điều này làm cho các cơ dễ bị co thắt đột ngột hay mất kiểm soát, dẫn đến tiếng nói bị vỡ hay bị rít. Bạn sẽ phải tập làm quen với điều này dần dần trong quá trình thanh quản đang thay đổi phát triển.
2.2 Đẩy giọng lên cao quá hay thấp quá
Cao độ của giọng nói phụ thuộc vào sự di chuyển của một số cơ ở thanh quản. Các cơ này hoạt động tốt nhất khi hoạt động chậm rãi và có tập luyện. Nếu bạn sử dụng cơ quá đột ngột hoặc không khởi động, các cơ này có thể bị căng cứng và khó chuyển động.
Nếu bạn cố sức hát cao lên hay trầm xuống, hay thậm chí tăng giảm độ lớn âm thanh mà không có luyện thanh trước thì các cơ sẽ bị căng giãn hay chùng xuống nhanh chóng.
Điều này gây ra vỡ giọng vì bạn di chuyển cơ quá nhanh trong khi cố gắng chuyển tiếp giữa hát cao và hát thấp. Đây là hiện tượng bình thường khi ca hát và cần quá trình luyện tập để khắc phục dần.
2.3 Tổn thương dây thanh
Nói chuyện, ca hát, hay la hét trong thời gian dài có thể kích thích dây thanh và thậm chí gây tổn thương.
Khi các tổn thương này lành, dây thanh có thể bị chai cứng, tạo ra các tổn thương gọi là hạt dây thanh. Tổn thương này cũng có thể gây ra do trào ngược axit, dị ứng, hay viêm xoang.
Hạt dây thanh có thể ảnh hưởng đến độ linh hoạt của dây thanh. Điều này dẫn đến vỡ giọng vì dây thanh gặp khó khăn trong việc tạo ra âm thanh bình thường.
2.4 Thiếu nước
Nguyên nhân này khá rõ ràng: Dây thanh của bạn cần được giữ ẩm để có thể di động hợp lý.
Nếu bạn không bổ sung đủ nước, dây thanh không thể chuyển động trơn tru và có thể thay đổi kích thước hay hình dạng thất thường khi bạn nói chuyện hay ca hát.
Bạn cũng dễ bị mất nước khi uống cà phê hay rượu. Các thức uống này khiến bạn đi tiểu nhiều, hay đổ mồ hôi nhiều. Điều này đều có thể dẫn đến vỡ giọng hay khàn tiếng.
2.5 Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là hiện tượng viêm của dây thanh hay cơ thanh quản. Tình trạng này thường do vi-rút gây ra nhưng nó cũng có thể xuất hiện nếu bạn sử dụng giọng nói quá nhiều.
Viêm thanh quản thường xảy ra trong một thời gian ngắn nếu nguyên nhân là lạm dụng giọng nói hay nhiễm trùng. Tuy nhiên viêm do các nguyên nhân lâu dài như ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, hay trào ngược, có thể gây ra viêm thanh quản mạn, dẫn đến tổn thương không hồi phục của thanh quản.
2.6 Căng thẳng
Lo lắng hay căng thẳng khiến cho các cơ trong cơ thể bị căng ra.
Điều này cũng tác động đến cơ ở thanh quan. Khi các cơ bị siết chặt hay căng cứng, chúng sẽ không thể di chuyển tự do được. Điều này làm giới hạn chuyển động của dây thanh. Nó dẫn đến tình trạng vỡ giọng khi bạn nói chuyện khi dây thanh cố gắng hoạt động để thay đổi cao độ và âm lượng.
3. Bạn có thể làm gì để giải quyết tình trạng này?
Nếu vỡ giọng là do dậy thì thì bạn không cần phải lo lắng. Vỡ giọng có thể sẽ chấm dứt khi bạn đến khoảng 20 tuổi hoặc có khi sớm hơn. Sự phát triển của mỗi người là khác nhau. Một số người ổn định giọng nói vào lúc 17 hay 18 tuổi, trong khi có người vẫn vỡ giọng khi đã hơn 20 tuổi.
Nếu vỡ giọng là do các nguyên nhân khác thì sau đây là một số cách để giảm thiểu hoặc chấm dứt nó:
- Uống thật nhiều nước. Uống ít nhất 2 lít nước một ngày để giữ cổ họng ẩm và giúp cơ thể bổ sung nước, đặc biệt nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô. Nếu bạn ca hát hay nói chuyện nhiều, hãy uống nước ấm, vì nước lạnh có thể làm hạn chế cử động dây thanh.
- Tránh thay đổi âm lượng đột ngột. La hét hay gào thét là đặc biệt không tốt cho dây thanh.
- Khởi động dây thanh bằng các bài tập luyện thanh. Điều này sẽ giúp ích nếu bạn dự định hát, nói chuyện trước công chúng hay nói chuyện trong một thời gian dài.
- Tập các bài tập hít thở. Các bài tập này có thể giúp bạn duy trì kiểm soát âm lượng, luồng khí và sức chứa của phổi.
- Sử dụng các thuốc ho, thuốc viên ngậm. Cách này có thể có ích nếu các cơn ho kéo dài hay viêm thanh quản mạn gây khó chịu cho cổ họng của bạn.
4. Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa vỡ giọng, bạn cần thay đổi một số thói quen. Sau đây là một số cách phòng ngừa bạn có thể thử:
- Hạn chế hoặc ngưng hút thuốc lá. Chất hóa học trong thuốc lá hay nicotin cũng như sức nóng từ thuốc là có thể gây tổn thương cho cổ họng của bạn.
- Giảm căng thẳng và lo lắng. Có phải căng thẳng khiến cho bạn bị vỡ giọng không? Hãy làm mọi cách để giữ bình tĩnh và thư giãn trước khi nói chuyện hay ca hát. Ví dụ như ngồi thiền, nghe nhạc, hay tập yoga.
- Gặp các chuyên gia về giọng nói. Bạn có thể phòng ngừa vỡ giọng đơn giản bằng cách học cách kiểm soát giọng nói của mình. Các chuyên gia trị liệu giọng nói-ngôn ngữ có thể nhận ra các vấn đề và thói quen xấu của bạn khi nói chuyện. Từ đó họ có thể chỉ cho bạn cách chủ động sử dụng giọng nói của mình một cách an toàn.
- Tập luyện với giáo viên. Các giáo viên dạy thanh nhạc hay giọng nói có thể giúp bạn hát hay nói chuyện trước đám đông bằng các kĩ năng chuyên nghiệp. Các kĩ năng có thể giúp bảo vệ dây thanh của bạn.
5. Khi nào thì cần đi khám bác sĩ do vỡ giọng?
Vỡ giọng nếu chỉ thi thoảng mới xuất hiện thì bạn không cần lo lắng, đặc biệt nếu bạn còn trẻ và có sức khỏe tốt.
Nếu bạn bị vỡ giọng quá thường xuyên, ngay cả khi đã sử dụng các biện pháp phòng ngừa thì bạn cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân tác động lên dây thanh. Các vấn đề như hạt dây thanh hay bệnh lý thần kinh có thể khiến bạn không thể nói chuyện hay ca hát như mong muốn.
Sau đây là các dấu hiệu nhắc nhở bạn cần phải đi khám bác sĩ:
- Đau hay căng cứng khi nói chuyện hay ca hát.
- Ho kéo dài.
- Mắc ho, tằng hắng suốt ngày.
- Ho ra máu hay đàm có màu bất thường.
- Khàn tiếng kéo dài nhiều tuần.
- Cảm giác có khối u trong họng.
- Khó nuốt.
- Mất khả năng nói chuyện hay ca hát.
Vỡ giọng có thể do nhiều nguyên nhân. Bạn không cần phải lo lắng đặc biệt nếu bạn đang dậy thì hay nói quá nhiều. Hãy đi khám bác sĩ nếu có bất thường giọng nói kéo dài, vỡ giọng quá thường xuyên. Bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị tốt nhất.