Xét nghiệm canxi máu là một trong những xét nghiệm phổ biến. Xét nghiệm có thể được thực hiện trong thăm khám sức khỏe định kỳ. Hoặc có thể áp dụng cho những người có triệu chứng của rối loạn canxi, hoặc ở người ít vận động. Trong bài viết dưới đây, 7-dayslim sẽ đề cập đến tổng quan về xét nghiệm này.
Tìm hiểu về canxi máu
Canxi là một trong những khoáng chất thiết yếu trong cơ thể. Khoảng 99% canxi trong cơ thể được lưu trữ trong xương và răng. Chỉ 1% còn lại lưu thông trong máu. Mặc dù chỉ là lượng nhỏ, nhưng canxi máu rất cần thiết và có nhiều vai trò quan trọng như:
- Tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh.
- Tham gia quá trình co cơ.
- Tham gia quá trình đông máu.
- Tham gia quá trình co cơ của cơ tim.
Nồng độ canxi máu được kiểm soát bởi hai loại hormone được gọi là hormone tuyến cận giáp (PTH) và calcitonin. Vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nồng độ canxi.
Ý nghĩa xét nghiệm canxi máu
Canxi trong máu tồn tại ở hai dạng:2
- Dạng kết hợp: gắn với protein (chủ yếu là albumin).
- Dạng tự do: không gắn với protein.
Từ đó, có 2 loại xét nghiệm canxi máu:2
- Xét nghiệm canxi máu toàn phần: định lượng cả canxi tự do và canxi hợp. Đây là loại xét nghiệm canxi thường được chỉ định.
- Xét nghiệm canxi ion hóa: chỉ đo lượng canxi tự do.
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm này trong chu trình kiểm tra sức khỏe định kỳ của bạn. Hoặc khi bạn có các triệu chứng liên quan đến tăng hoặc giảm canxi. Ngoài ra, canxi máu có thể được chỉ định để tầm soát các bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến cận giáp, bệnh lý ác tính hoặc suy dinh dưỡng.
Những ai nên xét nghiệm canxi máu
Như đã đề cập, khi bạn đi khám sức khỏe định kỳ có thể sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm canxi máu. Trường hợp này được xem như xét nghiệm thường quy để đánh giá sự trao đổi chất tổng thể.
Một số đối tượng khác nên làm xét nghiệm canxi máu như:2
- Có triệu chứng tăng hoặc hạ canxi. Triệu chứng tăng canxi như: chán ăn, táo bón, mệt mỏi, buồn nôn, nôn… Triệu chứng hạ canxi như: nhịp tim không đều, chuột rút, co thắt cơ, co giật, ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân…
- Theo dõi trong điều trị các bệnh lý như: bệnh về xương, bệnh thận, bệnh ung thư…
- Nghi ngờ viêm tụy cấp, cường giáp, bệnh lý tuyến cận giáp…
- Hình ảnh bất thường trên điện tâm đồ.
Quy trình xét nghiệm canxi máu
Trước xét nghiệm
Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bạn. Tiền sử bệnh của gia đình, chẳng hạn như gia đình có người mắc bệnh lý thận hay bệnh lý tuyến giáp không.
Bạn cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc, các loại dược chất bổ sung hoặc các loại thảo mộc mà bạn đang dùng. Bạn cũng cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai vì nó có thể ảnh hưởng đến nồng độ canxi máu.
Trong xét nghiệm
Việc tiến hành xét nghiệm canxi máu khá đơn giản. Bạn chỉ cần lấy máu để xét nghiệm. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích khi đâm kim lấy máu. Quy trình này thường chỉ mất 1 hoặc 2 phút. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ cơn đau nghiêm trọng nào, bạn nên báo ngay cho bác sĩ, y tá hoặc nhân viên đang lấy máu.
Sau xét nghiệm
Nếu không có chỉ định xét nghiệm khác, bạn có thể ra về ngay sau khi lấy máu. Nếu bạn cảm thấy hơi chóng mặt hoặc ngất xỉu, bạn nên nghỉ ngơi một vài phút. Bạn có thể được thông báo về ngày giờ cụ thể để quay lại xem kết quả.
Kết quả chỉ số canxi máu
Nhìn chung, phạm vi tham chiếu bình thường cho xét nghiệm canxi máu toàn phần ở người lớn là 8,6 – 10,2 mg/dL hoặc 4,2 – 5,3 mEq/L hay 2,1 – 2,6 mmol/L. Phạm vi này có thể khác nhau giữa các cơ sở làm xét nghiệm.
Để giải thích kết quả, cần có khoảng tham chiếu bình thường của từng cơ sở thực hiện xét nghiệm.2
Kết quả | Tình trạng | Nguyên nhân bệnh lý |
Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ canxi trên mức phạm vi tham chiếu | Canxi máu cao | – Nguyên nhân do bệnh lý tuyến giáp, cận giáp, ung thư, lao, u hạt sarcoidosis… |
Kết quả xét nghiệm thấp hơn phạm vi tham chiếu | Canxi máu thấp | – Cơ thể bị mất quá nhiều canxi qua nước tiểu hoặc khi không đủ canxi di chuyển từ xương vào máu.
– Một số nguyên nhân tiềm ẩn khác như: suy thận, viêm tụy, suy tuyến cận giáp, thiếu canxi trong chế độ ăn… |
Những lưu ý về xét nghiệm canxi máu
Bạn thường không cần bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào cho xét nghiệm canxi máu. Tuy nhiên bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng một số loại thuốc. Chẳng hạn như vitamin D, lithium, thuốc lợi tiểu,… để đảm bảo kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, bạn có thể cần nhịn ăn trong vài giờ trước khi xét nghiệm nếu bác sĩ yêu cầu.
Xét nghiệm máu nói chung là an toàn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra thường biến mất trong vài giờ, hoặc tệ nhất là 1-2 ngày. Dù hiếm gặp nhưng 1 số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể phát triển nên bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Xét nghiệm canxi máu ở đâu?
Xét nghiệm máu là xét nghiệm tương đối đơn giản nên có thể thực hiện được ở hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ uy tín dưới đây để thực hiện xét nghiệm này.
Cơ sở | Địa chỉ | Thời gian hoạt động |
Trung tâm Xét nghiệm Kiểm chuẩn TP.HCM | 75A Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP.HCM | T2 – T6: 7:30 – 17:00 T7, CN: không hoạt động |
Viện Pasteur | 167 Pasteur, Phường 8, Quận 3, TP.HCM | T2 – T6: 7:00 – 11:00, 13:00 – 18:00 T7, CN: 7:00 – 11:00, 13:00 – 16:00 |
Bệnh viện Truyền máu Huyết học | 118 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TP.HCM | T2 – T6: 7:00 – 16:30 T7: 7:00 – 12:00 CN: 7:00 – 16:30 |
Bệnh viện Chợ Rẫy | 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM | T2 – T6: 6:00- 16:00 T7, CN: không hoạt động |
Bệnh viện Nhân dân 115 | 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM | T2 – T7: 7:00 – 16:30 CN: 7:00 – 11:30 |
Trên đây là bài của 7-Dayslim về xét nghiệm canxi máu. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm thông tin chính xác về xét nghiệm này. Đồng thời có thể giúp bạn hiểu được phần nào cách diễn giải kết quả xét nghiệm. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn nếu bạn muốn xét nghiệm kiểm tra tổng quát hoặc khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào của tình trạng tăng giảm canxi máu.