Tỷ lệ nhiễm HP ở người Việt Nam rất cao. Theo thống kê, có đến 70% dân số bị mắc HP. Vi khuẩn HP là tác nhân chính gây viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày. Vi khuẩn dễ lây lan qua đường ăn uống chung. Vì vậy, việc xét nghiệm HP là rất cần thiết. Sau đây, mời bạn cùng 7-dayslim tìm hiểu những điều cơ bản cần biết về loại xét nghiệm HP này.
Tổng quan về vi khuẩn HP
Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn lây nhiễm tồn tại ở hệ tiêu hóa. Nhiều người nhiễm H. pylori sẽ không bao giờ gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng. Với những trường hợp khác, vi khuẩn HP có thể gây ra một loạt các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng. Chúng bao gồm viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và một số loại ung thư dạ dày.
Xét nghiệm HP là gì?
Xét nghiệm HP là phương pháp xác định sự hiện diện của H. pylori trong cơ thể bạn. Có nhiều cách khác nhau để xác định sự hiện diện của H. pylori. Các xét nghiệm vi khuẩn HP bao gồm:
- Xét nghiệm máu tìm HP.
- Xét nghiệm HP qua hơi thở.
- Nội soi dạ dày tìm vi khuẩn HP.
- Xét nghiệm HP qua phân.
- Xét nghiệm HP bằng phương pháp sinh thiết.
Các loại xét nghiệm HP
Xét nghiệm máu tìm HP
Khi vi khuẩn HP xâm nhập, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể kháng lại vi khuẩn. Vì vậy, việc tìm ra kháng thể này trong máu cũng giúp chẩn đoán được vi khuẩn HP.
Tuy vậy, phương pháp này có nhược điểm là không thể được dùng để đánh giá ở bệnh nhân vừa điều trị HP trong vòng 12 tháng. Lý do là vì tuy vi khuẩn HP đã bị kháng sinh tiêu diệt hết, nhưng kháng thể vẫn lưu lại trong máu trong nhiều tháng sau đó, dẫn tới dương tính giả (không còn vi khuẩn HP nhưng kết quả vẫn ra dương tính).
Ngoài ra, tuy việc lấy máu rất nhanh và nhẹ nhàng nhưng vẫn có thể khiến nhiều bệnh nhân lo lắng và sợ cảm giác đau khi phải chích lấy máu.
Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở
Xét nghiệm HP bằng hơi thở, hay còn gọi là xét nghiệm UBT (urea breath test C13). Đây là phương pháp xét nghiệm được áp dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Phương pháp này rất đơn giản, không gây khó chịu hay đau đớn cho bệnh nhân. Khi làm xét nghiệm, bệnh nhân sẽ thổi hơi vào một thiết bị, sau đó các chỉ số sẽ được hiển thị giúp bác sĩ chẩn đoán. Phương pháp này có nhiều ưu điểm:
- Không đau, rất dễ thực hiện.
- Nhanh gọn, độ chính xác cao.
- Có thể áp dụng cho cả trẻ em trên 6 tuổi, tức những đối tượng có khả năng hợp tác.
Bạn sẽ dùng một chất đặc biệt là urê (dưới dạng viên thuốc). Urê là một chất thải mà cơ thể tạo ra khi nó phân hủy protein. Nếu có H. pylori, vi khuẩn sẽ chuyển urê thành carbon dioxide, được phát hiện và ghi lại trong hơi thở thở ra của bạn sau 10 phút.
Nội soi dạ dày tìm vi khuẩn HP
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiện thể xem xét cả những viêm loét, tổn thương, phát hiện bất thường ở dạ dày. Từ đó đánh giá và đưa phương pháp điều trị chính xác nhất.
Hiện nay nội soi có 2 dạng là gây mê hoặc không gây mê. Tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân thường chọn thủ thuật nội soi không gây mê để tiết kiệm chi phí và nhanh chóng về nhà sau nội soi. Tuy nhiên, phương pháp này thường đem lại cảm giác khó chịu, buồn nôn.
Xét nghiệm HP qua phân
Xét nghiệm HP qua phân bao gồm các loại xét nghiệm:
- Xét nghiệm kháng nguyên trong phân: đây là xét nghiệm phân phổ biến nhất để phát hiện H. pylori. Xét nghiệm sẽ tìm kiếm các protein kháng nguyên liên quan đến nhiễm HP ở trong phân.
- Xét nghiệm PCR phân: xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trong phân có thể phát hiện vi khuẩn HP. Xét nghiệm này có thể xác định các đột biến có thể kháng lại kháng sinh điều trị H. pylori. Tuy nhiên nhược điểm chính của xét nghiệm này là giá thành mắc và không phải luôn có sẵn ở các cơ sở y tế.
- Xét nghiệm cấy phân tìm vi khuẩn H. pylori trong phân: Vi khuẩn HP được cơ thể thải trừ đều đặn qua phân. Vì vậy hoàn toàn có thể chẩn đoán HP bằng cách xét nghiệm mẫu phân.
Xét nghiệm HP bằng phương pháp sinh thiết2
Sinh thiết sẽ cần một mẫu mô lấy từ niêm mạc dạ dày. Đây là một cách chính xác nhất để xác định bạn có nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không. Để lấy mẫu mô bạn sẽ cần tiến hành nội soi.
Phương pháp này nên được thực hiện trong bệnh viện hoặc các cơ sở xét nghiệm uy tín.
Vì sao cần phải làm xét nghiệm HP?
Xét nghiệm virus HP sẽ giúp xác định bạn có bị nhiễm virus HP hay không. Việc phát hiện sớm và điều trị có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Biến chứng của bệnh nhiễm H. pylori:
- Loét dạ dày: H. pylori có thể làm mỏng lớp màng bảo vệ dạ dày và ruột non. Điều này làm cho acid dịch vị của dạ dày bào mòn lớp niêm mạc và tạo ra vết loét. Khoảng 10% người nhiễm H.pylori sẽ bị loét dạ dày.
- Viêm niêm mạc dạ dày: Nhiễm H. pylori có thể gây kích ứng và sưng tấy dạ dày.
- Ung thư dạ dày: nhiễm H. pylori là yếu tố nguy cơ mạnh đối với bệnh lý này.
Xét nghiệm vi khuẩn HP cũng có thể được thực hiện nếu bạn cần dùng ibuprofen lâu dài hoặc các loại thuốc NSAID khác.2
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm HP dạ dày
Xét nghiệm HP thường được chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý dạ dày-tá tràng như:
- Đau bụng.
- Ợ hơi, ợ nóng.
- Buồn nôn, nôn.
- Tiêu chảy.
- Sụt ký.
- Ăn không ngon.
Ngoài ra, xét nghiệm cũng được khuyến khích ở bệnh nhân có bố mẹ, ông bà trong gia đình từng bị ung thư dạ dày. Tuy không phải ai nhiễm HP cũng gây ra bệnh dạ dày, nhưng với những đối tượng có nguy cơ cao thì việc tầm soát sớm sẽ giúp giảm ung thư.
Trẻ em cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn HP, nguyên nhân có thể là do:
- Ăn thực phẩm không được làm sạch hoặc nấu chín.
- Uống nước bị nhiễm vi khuẩn.
- Không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh.
Xét nghiệm HP có thể thực hiện cho trẻ em có thể kể đến như: cấy phân, kiểm tra hơi thở, nội soi dạ dày.
Cách cách xét nghiệm virus HP
Quy trình xét nghiệm máu tìm HP
- Kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch trên cánh tay của bạn bằng kim tiêm nhỏ. Bạn sẽ được sát trùng vùng da lấy máu trước đó. Lưu ý giai kim đâm vào da có thể sẽ khiến bạn hơi khó chịu.
- Sau khi đưa kim vào vị trí lấy máu, một lượng nhỏ máu sẽ được thu thập vào ống đựng.
- Kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ rút kim và cầm máu cho bạn bằng gạc y tế.
Quy trình xét nghiệm HP qua hơi thở
- Đầu tiên bạn sẽ cần cung cấp một mẫu hơi thở bằng cách thở bằng túi thu thập.
- Sau đó, bạn sẽ được nuốt một viên thuốc hoặc chất lỏng (urê).
- Sau một thời gian, bạn sẽ cung cấp một mẫu hơi thở khác.
- Chuyên viên xét nghiệm sẽ so sánh hai mẫu. Nếu mẫu thứ 2 có nồng độ carbon dioxide cao hơn mẫu 1 thì có thể bạn đã bị nhiễm trùng H. pylori.
Quy trình nội soi dạ dày và làm sinh thiết tìm HP
- Bạn sẽ được cho nằm cố định. Bạn có thể sẽ được cho dùng thuốc gây mê hoặc không tùy theo phương pháp bạn lựa chọn. Việc dùng thuốc sẽ giúp bạn thư giãn và tránh cảm giác đau trong quá trình xét nghiệm. Nếu bạn cần tiến hành sinh thiết, việc dùng thuốc là lựa chọn tiên quyết.
- Ống nội soi sẽ được đưa vào miệng và cổ họng của bạn. Trên ống nội soi sẽ được gắn camera và đèn.
- Quá trình lấy sinh thiết sẽ được tiến hành trong quá trình nội soi để kiểm tra sau thủ thuật.
- Sau nội soi, nếu dùng thuốc gây mê bạn sẽ được theo dõi trong 1 – 2 giờ để thuốc hết tác dụng.
- Nếu phải dùng thuốc mê, hãy lên kế hoạch tìm phương tiện chở bạn về nhà vì bạn có thể vẫn sẽ buồn ngủ.
Quy trình xét nghiệm HP qua phân
Việc lấy mẫu xét nghiệm thường bao gồm các bước sau:
- Đảm bảo vệ sinh bằng cách mang găng tay cao su.
- Thu thập và bảo quản phân trong hộp đựng mà cơ sở xét nghiệm cung cấp.
- Nếu lấy mấu cho em bé, lót tã của em bé bằng màng bọc thực phẩm.
- Đảm bảo không lẫn nước tiểu, nước hoặc giấy vệ sinh vào mẫu.
- Đóng nắp và dán nhãn niêm phong hộp chứa mẫu.
- Trả lại hộp chứa mẫu cho cơ sở xét nghiệm.
Cách đọc kết quả xét nghiệm HP
Nếu kết quả âm tính: bạn không bị nhiễm H. pylori. Lúc này bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng tiêu hóa của bạn.
Nếu kết quả dương tính: bạn đã bị nhiễm H. pylori. Nhiễm HP có thể điều trị bằng thuốc. Liệu trình điều trị bằng thuốc có thể phức tạp nhưng quan trọng bạn phải tuân thủ theo nguyên tắc sử dụng, ngay cả khi triệu chứng đã biến mất.
Nhiễm trùng H.pylori thường được điều trị ít nhất bằng 2 loại kháng sinh khác nhau cùng 1 lúc. Điều này giúp ngăn vi khuẩn phát triển đề kháng với một kháng sinh cụ thể. Các loại kháng sinh quan trọng như: amoxicillin, clarithromycin, metronidazol, levofloxacin…
Những loại thuốc khác có thể giúp cải thiện tình trạng của bạn:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): ngăn chặn acid dịch vị được sản xuất trong dạ dày. Ví dụ về PPI: omeprazol, esomeprazol, lansoprazol, pantoprazole.
- Bismuth subsalicylat: bao phủ vết loét và bảo vệ vết loét khỏi acid dịch vị.
- Thuốc kháng histamin H2: giúp ức chế sự gắn kết của histamin với thụ thể, làm giảm bài tiết acid dạ dày (cimetidine, nizatidine). Thuốc ức chế H2 chỉ được kê đơn trong trường hợp không thể sử dụng PPI.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HP
Tùy vào loại xét nghiệm mà bạn chọn lựa để thực hiện, sẽ có các lưu ý khác nhau. Sau đây là một số lưu ý cơ bản bạn cần biết:
- Không uống đồ uống có gas, có cồn trước khi thực hiện xét nghiệm HP qua hơi thở.
- Ngưng uống kháng sinh hoặc thuốc có chứa bismuth (ví dụ: Trymo, Ulcersep) 4 tuần trước khi làm xét nghiệm.
- Ngưng uống các thuốc trị đau dạ dày nhóm ức chế bơm proton (PPI) như omeprazol, esomeprazol, pantoprazol, rabeprazol 2 tuần trước khi làm xét nghiệm.
- Đối với xét nghiệm HP qua nội soi dạ dày, cần nhịn ăn trong vòng 8 giờ trước khi đi nội soi dạ dày. Không uống các loại nước có màu như: sữa, cà phê; hoặc uống các thuốc hỗn dịch có màu đục làm cản trở việc nội soi.
Xét nghiệm HP ở đâu và bao nhiêu tiền?
Khi nhắc tới việc làm xét nghiệm HP, ngoài những thông tin về xét nghiệm thì câu hỏi nên lựa chọn địa chỉ xét nghiệm nào và xét nghiệm HP giá bao nhiêu luôn là nỗi quan tâm hàng đầu của người dân. Hiểu được nỗi lo này, 7-Dayslim đã có một bài viết Xét nghiệm HP dạ dày giá bao nhiêu và ở đâu?
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu thêm về ý nghĩa, cũng như những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HP. Từ đó giúp việc thực hiện xét nghiệm diễn ra thuận lợi, mang lại kết quả một cách chính xác.