Xét nghiệm INR là một trong những xét nghiệm với thủ thuật đơn giản và cho kết quả nhanh chóng, đo thời gian đông máu dành cho những người đang sử dụng các loại thuốc chống đông, nhằm mục đích theo dõi và phát hiện kịp thời những rủi ro trong quá trình trị liệu. Hãy cùng 7-dayslim tìm hiểu thêm thông tin về xét nghiệm INR qua bài viết sau.
Xét nghiệm INR là gì?
Xét nghiệm INR (International Normalized Ratio) là một loại xét nghiệm máu để đo thời gian đông máu, đánh giá mức độ hình thành cục máu đông được sử dụng để theo dõi trên các bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông như warfarin (coumadin),… Y học hiện đại đã tìm ra cách kiểm tra hiệu lực chống đông máu ở bệnh nhân thông qua chỉ số INR theo tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế. 2
Mối liên hệ giữa xét nghiệm INR và PT
Thông thường tại các cơ sở, trung tâm xét nghiệm, xét nghiệm chỉ số INR luôn được tiến hành cùng lúc với xét nghiệm PT (Prothrombin Time – xét nghiệm kiểm tra quá trình đông máu). Chỉ số INR là tỷ lệ giữa chỉ số PT của bệnh nhân với chỉ số PT tiêu chuẩn của người bình thường.
Mỗi nhà sản xuất chỉ định một giá trị ISI (International Sensitivity Index – Chỉ số nhạy cảm quốc tế) riêng, giá trị ISI thường từ 0,94 đến 3,0.
Ý nghĩa xét nghiệm INR
Việc xét nghiệm INR nhằm mang các mục đích như sau:2
- Trước khi bệnh nhân thực hiện các thủ thuật nha khoa hoặc các loại phẫu thuật. Chỉ số đông máu là yếu tố tiên quyết cho quyết định phẫu thuật.
- Khi bệnh nhân bắt đầu hoặc kết thúc sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc chống đông máu (đặc biệt là thuốc kháng vitamin K loại Coumadin) sẽ đánh giá được tác dụng của thuốc lên bệnh nhân.
- Các bệnh nhân vừa thay van tim, xét nghiệm INR được sử dụng để giám sát tốc độ đông máu của bệnh nhân, giúp hạn chế các rủi ro từ cục máu đông đến van cơ học nhân tạo.
- Hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân bệnh nhân có các vết bầm tím hoặc chảy máu bất thường.
- Đánh giá hoạt động của gan, đồng thời đo nồng độ prothrombin, cũng như thực hiện các xét nghiệm gan khác như aspartate aminotransferase và alanine aminotransferase; đây là các yếu tố di truyền, một khi thiếu chúng có thể gây ra tình trạng máu khó đông.
Thực hiện xét nghiệm INR
Lấy máu mao mạch đầu ngón tay
Xét nghiệm INR bằng máu từ mao mạch ngón tay có thể thực hiện tại nhà. Nếu bạn đang sử dụng warfarin hằng ngày, thì bạn nên thường xuyên kiểm tra chỉ số INR bằng bộ kit xét nghiệm tại nhà.
Chuẩn bị dụng cụ
- Chuẩn bị máy xét nghiệm INR cầm tay Coagucheck XS (Roche, Germany) và các dụng cụ kèm theo: Hộp đựng que thử nghiệm, thẻ mã hóa que thử, kim bấm lấy máu đầu ngón tay,…
- Đảm bảo mã trên hộp đựng que thử nghiệm và que thử phải phù hợp với nhau.
- Cài thẻ mã hóa que thử vào máy thử.
Các bước tiến hành xét nghiệm INR máu mao mạch đầu ngón tay
- Rửa tay sạch bằng nước ấm, sát trùng đầu ngón tay trỏ của bệnh nhân,dồn máu tập trung vào đầu ngón tay, dùng kim bấm chích nhẹ để lấy máu;
- Bóp nhẹ để máu chảy ra tập trung ở đầu ngón tay thành một giọt đầy và cho giọt máu chảy vào phần quy định nhận máu ở đầu que thử;
- Sau 1 phút, kết quả INR và tỷ lệ Prothrombin sẽ hiện lên ở màn hình của máy đo.
Lấy máu tĩnh mạch cánh tay
Quy trình lấy máu tĩnh mạch để thực hiện xét nghiệm INR như sau:
- Garo quanh cánh tay trên để ngăn dòng máu chảy, sát trùng vị trí kim bằng cồn y tế, đặt kim vào tĩnh mạch và tiến hành lấy máu.
- Từ từ tháo băng ra khỏi cánh tay khi thu thập đủ máu.
- Đặt một miếng gạc hoặc bông gòn lên vị trí kim khi kim được lấy ra để sát trùng.
Tần suất kiểm tra chỉ số INR
Sau khi dùng thuốc lần đầu tiên, trong vòng 36 đến 60 giờ đầu tiên, bệnh nhân phải tiến hành xét nghiệm INR với mục đích xác định mức độ đáp ứng của cơ thể với từng loại thuốc. Lần tiếp theo cần thực hiện sau 3 đến 6 ngày sau khi kiểm tra lần đầu tùy thuộc vào kết quả của lần đầu tiên, lần xét nghiệm thứ 2 nhằm xác định hiệu lực của thuốc chống đông.
Sau khi chỉ số INR ổn định thì tiến hành kiểm tra hàng tuần, tối đa là mỗi tháng một lần để theo dõi trị liệu.
Nếu có sự thay đổi liều thuốc sử dụng thì phải tiến hành kiểm tra trong vòng 2 đến 4 ngày đầu và lặp lại cho đến khi chỉ số INR ổn định. 2
Ý nghĩa lâm sàng kết quả xét nghiệm INR
Chỉ số INR bình thường 2
Chỉ số INR thường nằm trong khoảng 0,8 đến 3.
Ở những người có sử dụng thuốc chống đông máu, chỉ số INR phải nằm trong khoảng 2 đến 3. Liều thuốc chống đông, ví dụ warfarin (coumadin), được thay đổi để thời gian prothrombin dài hơn bình thường khoảng 1,5 đến 2,5 lần.
Còn với những người khỏe mạnh, không sử dụng các loại thuốc chống đông thì chỉ số INR nằm trong khoảng từ 0.8 đến 1,2.
Chỉ số INR không bình thường 2
Đối với những người có sử dụng thuốc chống đông:
- Nếu chỉ số INR này nhỏ hơn 2 thì chứng tỏ hiệu lực chống đông của thuốc không đủ.
- Nếu chỉ số INR này lớn hơn 3 thì chứng tỏ hiệu lực chống đông của thuốc quá lớn.
Trong một số trường hợp, chỉ số INR có thể lên đến 4,5. Khi chỉ số INR lớn hơn 5 thì luôn kèm theo nguy cơ chảy máu cao.
Lưu ý khi xét nghiệm INR
Cần lưu ý các yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm INR:2
Một số thuốc kháng sinh có thể làm tăng PT và INR. Barbiturat, thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone (HRT), và vitamin K (trong chế phẩm bổ sung vitamin tổng hợp hoặc dinh dưỡng dạng lỏng) có thể làm giảm PT.
Uống rượu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả PT. Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như thịt bò và gan lợn, trà xanh, bông cải xanh, đậu gà, cải xoăn, củ cải xanh và các sản phẩm từ đậu tương, chứa một lượng lớn vitamin K và có thể làm thay đổi kết quả PT. Điều quan trọng là cơ sở hay bác sĩ xét nghiệm phải biết về tất cả các loại thuốc, chất bổ sung và thực phẩm đã tiêu thụ gần đây; để kết quả PT và INR được diễn giải và sử dụng một cách chính xác.
Xét nghiệm INR ở đâu?
Hiện nay, xét nghiệm INR phổ biến ở hầu hết các trung tâm khám chữa bệnh trên toàn quốc như các bệnh viện nhà nước, các bệnh viện tư, các phòng khám, trung tâm xét nghiệm,… Tuy nhiên bạn nên cân nhắc về việc lựa chọn nơi để xét nghiệm cũng như khám, chữa bệnh để có được kết quả chính xác nhất.
Sau đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo:
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: 1 P. Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Tổ hợp Y tế Mediplus. Địa chỉ: 99 Phố Tân Mai, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phòng khám Đa khoa – Trung tâm Xét nghiệm và Chẩn đoán Y khoa – Medical Diag Center. Địa chỉ: 414-420 Đường Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
- Phòng khám Đa khoa Medlatec. Địa chỉ: Phòng khám có địa chỉ rải rác khắp cả nước.
- Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Timec. Địa chỉ: 4449 Nguyễn Cửu Phú, P.Tân Tạo A, Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh (Tecco Town Bình Tân, Block F-G).
Xét nghiệm INR giá bao nhiêu?
Tên cơ sở | Giá tham khảo (VNĐ) |
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. | 45.000 |
Bệnh viện Bạch Mai | 40.000 |
Tổ hợp Y tế Mediplus | 55.000 |
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM | Mức BHYT: 40.000
Mức thu: 200.000 |
Trung tâm xét nghiệm Diag | 65.000 |
Phòng khám Đa khoa Medlatec | 60.000 |
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Timec | 55.000 |
Lưu ý, bảng giá xét nghiệm INR được tổng kết tại các đơn vị. Tuy nhiên chi phí chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi tuỳ tình hình thực tiễn.
Có thể thấy xét nghiệm INR rất quan trọng và cần thiết để cho quá trình điều trị, để hạn chế những rủi ro và phát huy tối đa khả năng của các thuốc chống đông. Để thực hiện xét nghiệm một cách an toàn nhất, bạn nên lựa chọn thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn uy tín nhé.