Khi cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lao phổi, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và xét nghiệm. Vậy các cơ sở y tế sẽ chỉ định những phương pháp xét nghiệm lao phổi nào? Quy trình thực hiện ra sao? Cần lưu ý gì khi xét nghiệm? Bài viết sau đây của 7-dayslim sẽ giải đáp thắc mắc của bạn xoay quanh các phương pháp xét nghiệm lao.
Tổng quan về bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (trực khuẩn lao) gây nên. Vi khuẩn lao có khả năng lây lan giữa người này với người khác qua nước bọt khi hắt hơi, ho hoặc trong vi khuẩn bám trên các hạt bụi trong không khí. Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, tuỳ thuộc vào miễn dịch của cơ thể mà chúng ta có thể phát bệnh hoặc không phát bệnh. 90% trong cơ thể chúng ta đều mang vi khuẩn lao. Nếu sức chống cự của cơ thể yếu thì sẽ dễ dàng phát triển thành bệnh lao. Bệnh lao có thể phát triển ở nhiều nơi trên cơ thể, nhưng đặc biệt phổi.
Nhiều người thường không quan tâm đến những dấu hiệu của bệnh lao. Đến khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng. Dưới đây là một số triệu chứng được đề ra để mọi người nhận biết sớm, bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn: 2
- Ho: nguyên nhân như viêm phổi, giãn phế quản, lao,… Trường hợp khi đã ho trên 3 tuần mà điều trị không giảm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh lao phổi là rất lớn.
- Khạc ra đờm: triệu chứng bệnh lao phổi thường gặp. Do tình trạng phế quản bị tổn thương hoặc tăng xuất tiết do bị kích thích.
- Ho ra máu: triệu chứng gặp ở 60% người bệnh.
- Đau ngực, khó thở: triệu chứng bệnh lao phổi dễ nhận thấy ở bệnh nhân. Ho nhiều sẽ dẫn đến khó thở, đau ngực.
- Gầy, sụt cân: nếu nguyên nhân khiến cơ thể trở nên gầy gò, sụt cân không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS,… thì nên thận trọng và kiểm tra ngay.
- Sốt về chiều: triệu chứng sốt cao, sốt thất thường và sốt nhẹ kèm lạnh gáy về chiều.
Không phải bệnh nhân bị lao nào cũng xuất hiện tất cả các triệu chứng kể trên, nhiều người chỉ có một vài triệu chứng nhẹ. Nên để biết chính xác có mắc bệnh lao hay không, chúng ta cần xét nghiệm chẩn đoán tại các cơ ở y tế. 2
Xét nghiệm lao phổi là gì? Tầm quan trọng của xét nghiệm lao phổi
Có rất nhiều xét nghiệm lao phổi được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao, phương pháp được sử dụng để chẩn đoán tùy thuộc đối tượng đang được nhân định mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh. Vì vậy, để lựa chọn phương pháp xét nghiệm bệnh lao sao cho phù hợp thì tùy thuộc vào quyết định và thăm khám của bác sĩ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc xét nghiệm lao phổi từ sớm rất quan trọng vì nó giúp tăng hiệu quả điều trị, ngăn ngừa biến chứng tử vong và tránh làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng. Điều này cũng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu xóa bỏ bệnh lao phổi vào năm 2030.
Đối tượng nào cần xét nghiệm lao phổi?
Người có những triệu chứng trên nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Ngoài ra, nếu không có triệu chứng mà thuộc những trường hợp dưới đây cũng nên tiến hành xét nghiệm lao phổi:
- Người bị nhiễm HIV.
- Người bị suy giảm miễn dịch.
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi.
- Người thường xuyên đi du lịch ở nhiều nơi.
- Người làm việc trong môi trường có hoặc nghi ngờ có chứa vi khuẩn lao: bác sĩ, y tá,…
- Người bị bệnh gan, bệnh phổi.
Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi
Khi được chỉ định xét nghiệm lao phổi thì nhiều người thường thắc mắc “xét nghiệm lao phổi như thế nào?” hay “có những phương pháp xét nghiệm lao phổi nào?”. Sau đây là một số các loại xét nghiệm dùng để chẩn đoán.
Nhuộm soi tiêu bản đờm
Nguyên tắc: Vi khuẩn lao có lớp vách sáp dày nên khó bắt màu với thuốc nhuộm thông thường và có tính kháng cồn – acid. Phương pháp nhuộm Ziehl được sử dụng để phát hiện vi khuẩn lao.
Kết quả: xuất hiện trực khuẩn kháng cồn – acid trong mẫu bệnh phẩm thì kết quả dương tính.
Ưu điểm: phương pháp dễ thực hiện, kết quả nhanh, rẻ tiền và có thể thực hiện ở mọi nơi
Nhược điểm: Độ nhạy thấp (khoảng 30 – 40%), vì vậy cần phải làm xét nghiệm lại ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm. Chỉ khi số lượng vi khuẩn lao trong mẫu bệnh phẩm lớn, tương ứng với trên 10.000 vi khuẩn trên mỗi ml thì soi trực tiếp mới cho kết quả dương tính. Đối với phương pháp này có thể cho kết quả dương tính giả khi trong mẫu đờm có chứa các vi khuẩn khác có tính kháng acid.
Nuôi cấy vi khuẩn lao
Nguyên tắc: Nuôi cấy trên môi trường đặc (Lowenstein–Jensen) là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán lao. Tuy nhiên, phương pháp này có khó khăn là vi khuẩn lao mọc rất chậm.
Kết quả: sau 2 tháng không thấy vi khuẩn mọc là âm tính.
Ưu điểm: phân lập và định danh được vi khuẩn lao, làm được kháng sinh đồ trong trị bệnh lao.
Nhược điểm: thời gian thực hiện kéo dài (4 – 6 tuần).
Chụp X – quang phổi
Có nhiều kỹ thuật X – quang dùng để chẩn đoán, nhưng phổ biến nhất là chụp phổi thẳng (tư thế sau – trước), chụp phổi nghiêng và chụp phổi tư thế ưỡn ngực.
Hình ảnh X – quang phổi cho thấy có vi khuẩn lao khi có đám mờ không đều ở phổi, xuất hiện các hình hang hay được gọi là lao hang. Hay có những nốt nhỏ như hạt kê được gọi là lao kê.
Phản ứng Tuberculin (xét nghiệm lao qua da)
Phản ứng Tuberculin được sử dụng rộng rãi là mantoux. Đây là phản ứng tiêm chất tuberculin trong da để đánh giá khả năng miễn dịch lao phổi. Ở người đã mắc bệnh lao phổi sẽ xuất hiện phản ứng viêm ngay chính tại chỗ tiêm. Sau đó dần tạo thành cục đỏ cứng trong khoảng thời gian 48 – 72 giờ. Công dụng của xét nghiệm này là tìm ra những vi khuẩn tiềm ẩn ở người có thể đã tiếp xúc với người bị lao và giúp tìm ra bệnh lao đang phát triển.
Quy trình xét nghiệm lao phổi bằng phương pháp xét nghiệm lao qua da:
- Bệnh nhân báo trước được tiêm chủng dự phòng trong vòng 1 tháng hoặc vừa mắc bệnh gần đây hay chưa.
- Tiêm một lượng nhỏ chất Tuberculin vào trong da.
- Cố gắng không chạm vào chỗ tiêm.
- Không được chà xát tại chỗ tiêm.
- Phản ứng viêm xuất hiện nốt sưng đỏ tại chỗ tiêm sau 48 – 72 giờ.
Kết quả:
- Dương tính: đường kính cục sưng đỏ lớn hơn 10 mm là dương tính. Có thể cho dương tính giả ở những người sau tiêm vaccine BCG.
- Âm tính: đường kính cục sưng đỏ nhỏ hơn 5 mm hoặc không xuất hiện cục đỏ. Có thể cần lặp lại xét nghiệm này ở vài vị trí khác trên cơ thể để chẩn đoán chính xác hơn.
Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction)
Xét nghiệm PCR lao là gì? Xét nghiệm PCR lao là xét nghiệm giúp phát hiện vi khuẩn lao chỉ trong vài ngày. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cũng giúp bác sĩ chẩn đoán có phải lao kháng thuốc hay không. Các mẫu bệnh phẩm làm PCR như: dịch màng phổi, đờm, dịch phế quản, dịch não tủy,… Đặc biệt, xét nghiệm này nhanh và hiệu quả, cho kết quả đặc hiệu cao.
Xét nghiệm lao bằng máu
Xét nghiệm lao bằng máu còn được gọi là xét nghiệm giải phóng interferon-gamma hoặc IGRAs. Hiện nay có hai bộ xét nghiệm lao máu được sử dụng rộng rãi là QuantiFERON-TB và T-SPOT.TB.
Kết quả:
- Dương tính: người đó đã nhiễm vi khuẩn lao. Ngoài ra cần thêm các xét nghiệm khác để xác định xem người đó có bị nhiễm lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao hay không.
- Âm tính: không phản ứng với xét nghiệm và không có khả năng nhiễm lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao.
Các xét nghiệm khác
Xét nghiệm Xpert MTB/RIF: kết quả nhanh, độ nhạy và độ đặc hiệu cao, xác định được vi khuẩn lao có kháng rifampicin hay phản ứng chéo với mycobacteria hay không.
Xét nghiệm kháng thể kháng lao (TB Rapid Test): Phát hiện kháng thể với vi khuẩn lao trong huyết thanh bệnh nhân, tuy nhiên nhược điểm là độ nhạy và đặc hiệu không cao.
Xét nghiệm lao phổi bao lâu có kết quả
Xét nghiệm lao bao lâu có kết quả là câu hỏi của nhiều người sau khi thực hiện xét nghiệm lao. Tùy vào loại xét nghiệm được chỉ định mà thời gian có kết quả sẽ khác nhau.
Nhuộm soi tiêu bản đờm thường có kết quả sau 1 đến 2 ngày.
Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn lao có kết quả sau 8 tuần, tùy vào tốc độ sinh sản của vi khuẩn.
Chụp X-quang phổi: có kết quả ngay sau khi chụp X-quang.
Với phản ứng Tuberculin, nhân viên y tế kiểm tra vết tiêm và trả kết quả sau 48 đến 72 giờ.
Xét nghiệm PCR lao thường có kết quả sau 5 đến 6 tuần.
Xét nghiệm QuantiFERON-TB: có kết quả từ 5 đến 7 ngày.
Xét nghiệm lao phổi cần lưu ý những gì?
Đối với xét nghiệm cần lấy đờm thì nên thực hiện vào buổi sáng. Vào buổi tối trước ngày lấy đờm, người bệnh cần uống nhiều nước. Ngay khi vừa thức dậy, người bệnh đánh răng và súc miệng bằng nước sạch nhưng không được dùng nước súc miệng, không ăn, uống và hút thuốc trước khi lấy đờm.10
Đối với xét nghiệm tiêm dưới da như phản ứng Tuberculin hay xét nghiệm máu như Quantiferon – TB, người bệnh cũng không cần phải nhịn ăn hay ăn kiêng.11
Đối với xét nghiệm lao phổi ở trẻ em thì việc xét nghiệm cũng tương tự như người lớn.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi?
Phòng bệnh lao phổi luôn tốt hơn là chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện tại không có biện pháp nào phòng ngừa hoàn toàn bệnh lao. Vì vậy để phòng ngừa bệnh lao phổi, cần phải giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao và giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc bệnh lao bằng các biện pháp dưới đây.
Tiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh
Vắc xin phòng lao giúp cơ thể tạo miễn dịch chống lại vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis.1 Vắc xin này nên được tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay tháng đầu sau sinh. Hiện tại vắc xin này được tiêm miễn phí theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Một quan niệm sai lầm là tiêm vắc xin phòng lao thì sẽ miễn nhiễm với bệnh lao suốt đời. Điều này là không đúng vì tác dụng của vắc xin ngừa lao phổi sẽ giảm dần theo thời gian.2
Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng của bệnh lao phổi
Việc phát hiện sớm bệnh lao phổi giúp tránh các biến chứng nguy hiểm với người bệnh. Điều đó cũng giúp ngăn ngừa lây lan bệnh cho cộng đồng.3 Khi có dấu hiệu của bệnh lao phổi, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Điều trị dự phòng lao khi có tiếp xúc với người bị lao
Theo Bộ Y tế, đối với người lớn và trẻ em bị nhiễm HIV hoặc trẻ em có cơ địa suy giảm miễn dịch thì khi sống chung hoặc tiếp xúc với người bị lao cần phải điều trị dự phòng lao theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người đó đã tiêm vắc xin BCG thì việc tiếp xúc với nguồn lây cũng sẽ làm giảm miễn dịch lao của cơ thể.
Để tránh lây bệnh cho người khác, người bệnh lao trong gia đình phải đeo khẩu trang khi nói chuyện. Đồng thời, dùng giấy che miệng khi ho, hắt hơi hoặc khạc đờm. Phải tiêu hủy giấy ngay sau khi dùng. Người bệnh phải sinh hoạt ở khu vực thoáng khí, có ánh nắng mặt trời và thường xuyên vệ sinh vật dụng cá nhân.
Xét nghiệm lao phổi ở đâu và bao nhiêu tiền?
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở thực hiện xét nghiệm lao phổi trên cả nước. Điều đó làm phần lớn người bệnh bâng khuâng, không biết nên thực hiện xét nghiệm lao phổi ở đâu? Liệu có thể xét nghiệm lao phổi tại nhà được không? Và xét nghiệm lao phổi bao nhiêu tiền? Để đảo bảo quy trình xét nghiệm diễn ra an toàn và cho kết quả chính xác, bạn đọc và gia đình nên đến những cơ sở xét nghiệm uy tín khi có nhu cầu xét nghiệm.
Việc đánh giá một cơ sở xét nghiệm sẽ giúp việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn. Hiểu được điều đó, 7-Dayslim đã nêu chi tiết những tiêu chí đánh giá sự uy tín của đơn vị xét nghiệm, đồng thời thống kê một số cơ sở có thực hiện xét nghiệm lao phổi cùng bảng giá trong bài viết Xét nghiệm lao phổi ở đâu và bao nhiêu tiền? Có thực hiện tại nhà được không? Bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm thông tin nhé!
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về xét nghiệm lao phổi cho bạn đọc. Có thể thấy việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lao rất quan trọng. Khi cảm thấy cơ thể có triệu chứng của bệnh lao, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và làm các xét nghiệm lao phổi. Từ đó, bệnh nhân sẽ được điều trị kịp thời nếu có bệnh.