Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm phản ánh tình trạng sức khỏe của chúng ta. Bên cạnh xét nghiệm máu cơ bản, tổng quát, bác sĩ đôi khi sẽ chỉ định các xét nghiệm máu cho những mục đích riêng biệt như tầm soát và chẩn đoán bệnh lý, theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ,… Vậy bạn đã biết có các loại xét nghiệm máu phổ biến là gì? Xét nghiệm máu để làm gì? Mỗi xét nghiệm máu mang ý nghĩa như thế nào? Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư không? Hãy cùng 7-dayslim tìm hiểu qua bài viết bên dưới.
Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm máu hay còn gọi là xét nghiệm huyết học. Đây là các loại xét nghiệm được thực hiện trên các mẫu máu. Tùy vào từng mục đích xét nghiệm mà mẫu máu khi thu thập được sẽ được lưu trữ vào các ống chống đông khác nhau.
Thông thường, khi nhắc đến các xét nghiệm máu, mọi người thường nghĩ đến xét nghiệm máu cơ bản với những chỉ số tổng quan đánh giá tình trạng chung của cơ thể. Kết quả xét nghiệm máu thường thể hiện nhiều chỉ số xét nghiệm khác nhau. Bài viết Xét nghiệm máu là gì? Ý nghĩa và cách đọc kết quả xét nghiệm máu sẽ mang đến cho bạn thông tin về quy trình xét nghiệm máu, ý nghĩa của xét nghiệm này và những điều cần chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm.
Xét nghiệm máu để làm gì?
Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu để xác định các cơ quan khác nhau trong cơ thể bạn đang hoạt động như thế nào? Thông thường, một số xét nghiệm máu chuyên biệt được chỉ định để tìm vấn đề mà bạn đang gặp phải ở các cơ quan như tuyến giáp, gan hoặc thận.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng các xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh và tình trạng sức khỏe như:
- Bệnh tiểu đường.
- HIV/AIDS.
- Thiếu máu.
- Ung thư.
- Bệnh mạch vành.
Ngay cả khi một người không mắc bệnh tim, xét nghiệm máu có thể cho biết liệu họ có nguy cơ mắc bệnh hay không. Các xét nghiệm máu khác cũng có thể cho biết liệu các loại thuốc bạn đang dùng có hoạt động tốt hay không hoặc đánh giá mức độ đông máu của bạn.
Cụ thể, từng loại xét nghiệm máu sẽ có mục đích và quá trình phân tích khác nhau.
Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư không?
Nếu trong quá trình thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bạn có khả năng mắc ung thư, bạn sẽ được chỉ định để thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm máu là một trong số đó. Hầu hết các trường hợp, để chẩn đoán ung thư cần kết hợp xét nghiệm máu với một số xét nghiệm khác.
Xét nghiệm máu phát hiện ung thư đại tràng
Quá trình methyl hóa vùng promoter của DNA Septin 9 có liên quan đến sự xuất hiện ung thư đại tràng. Xét nghiệm Epi proColon là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh được ứng dụng hiện nay. Bởi đây là xét nghiệm định tính giúp phát hiện methyl DNA Septin 9 thông qua mẫu máu toàn phần thu thập từ bệnh nhân.
Xét nghiệm máu ung thư vòm họng
Xét nghiệm máu không dùng để chẩn đoán ung thư vòm họng. Nhưng nó có thể được chỉ định để xác định mức độ lây lan của ung thư vòm họng.
Ngoài ra có thể thực hiện xét nghiệm nồng độ kháng thể virus EBV trong máu. Xét nghiệm này có thể thực hiện trước hoặc sau điều trị. Với mục đích là xác định ung thư vòm họng có đang được điều trị hiệu quả không. Có thể kiểm tra kháng thể đối với các kháng nguyên liên quan đến EBV như sau:2
- Kháng nguyên capsid của virus (VCA): thường xuất hiện sớm kháng thể IgM kháng VCA khi nhiễm EBV. Và biến mất sau đó trong vòng từ 4 – 6 tuần. Khi nhiễm EBV ở giai đoạn cấp tính sẽ xuất hiện kháng thể IgG kháng VCA. Và IgG sẽ cao nhất trong vòng từ 2 – 4 tuần sau khởi phát bệnh. Sau đó IgG sẽ giảm nhẹ và tồn tại đến hết đời của 1 người.
- Kháng nguyên EA: giai đoạn cấp tính sẽ xuất hiện anti-EA IgG. Và thường sau 3 – 6 tháng sẽ giảm xuống mức không phát hiện được. Phát hiện kháng thể này có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng.
- Kháng nguyên EBV (EBNA): xét nghiệm huỳnh quang miễn dịch giúp xác định kháng thể với EBNA. Kháng thể này xuất hiện sau khi cơ thể có triệu trứng từ 2 – 4 tháng và tồn tại đến hết cuộc đời người. Vì vậy mà ở giai đoạn cấp tính không phát hiện được kháng thể EBNA.
Ngoài ra xét nghiệm Squamous cell carcinoma antigen – SCCA giúp xác định nồng độ kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy. Xét nghiệm này được chỉ định thường xuyên nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán và quản lý bệnh.
Xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi
Xét nghiệm máu không thể chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên nó giúp tìm ra các dấu ấn ung thư. Các dấu ấn này là các protein đặc biệt, do tế bào ung thư hoặc hormone sinh ra. Với ung thư phổi là protein Cyfra 21.
Cyfra 21 là một chất chỉ điểm khối u nhạy và đặc hiệu của ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Ngoài ra nó còn phản ánh mức độ của bệnh. Đồng thời tiên lượng tình trạng hoạt động cũng như giai đoạn bệnh trong NSCLC. Để đánh giá tình trạng ung thư phổi, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Cyfra 21-1.
Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư máu không?
Như đã nói ở trên, xét nghiệm máu giúp phát hiện các dấu ấn ung thư. Không thể chẩn đoán bệnh ung thư dựa trên một xét nghiệm máu đơn thuần.
Ung thư máu tạo nên sự bất thường về các tế bào. Có thể tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu. Và tiểu cầu thì bị giảm trong bệnh lý ung thư máu. Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) giúp đo lượng từng loại tế bào trong mẫu bệnh phẩm.
Ngoài ra có thể thực hiện xét nghiệm điện di máu. Nhằm tìm ra các protein được hệ thống miễn dịch tạo ra để chống lại nhiễm trùng cơ thể. Đây là xét nghiệm rất hữu ích trong chẩn đoán bệnh đa u tủy.
Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư dạ dày?
Ung thư dạ dày không thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu trong trường hợp này chỉ có thể cung cấp một số thông tin về sức khỏe để hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Có thể thực hiện:
- Xét nghiệm sinh hóa kiểm tra chức năng gan.
- Xét nghiệm máu tìm mảnh tế bào ung thư. Hay còn gọi là xét nghiệm DNA khối u tuần hoàn. Một số trường hợp ung thư dạ dày nhất định sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm này.
Xét nghiệm máu ung thư gan
Thực hiện đơn lẻ xét nghiệm máu không thể chẩn đoán được ung thư gan. Tuy nhiên nó có thể phát hiện các dấu hiệu của rối loạn chức năng gan.
Để chẩn đoán chính xác ung thư gan cần kết hợp nhiều phương pháp. Chẳng hạn như khai thác dấu hiệu và triệu chứng cùng với sinh thiết để có thể khẳng định chắc chắn.
Xét nghiệm máu đánh giá:
- Chức năng gan là đo lượng chất nhất định được gan thải vào máu. Nếu nó cao hơn mức bình thường thì có thể là dấu hiệu của ung thư gan.
- Tổn thương cơ quan: Thông qua 2 chỉ số là BUN và creatinin giúp đánh giá chức năng thận. Vì bệnh thận là 1 yếu tố nguy cơ của bệnh gan.
- Các bệnh khác, như viêm gan để giải thích triệu chứng của tổn thương gan.
Nếu đã được chẩn đoán là ung thư gan thì có thể làm thêm các xét nghiệm máu khác để tầm soát triệu chứng bệnh. Chẳng hạn như:
- Tổng phân tích tế bào máu: có thể thấy số lượng bạch cầu cao hơn bình thường. Đây có thể là bị ung thư hoặc cơ thể đang nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hóa sinh: thay đổi một số chỉ số xét nghiệm. Ví dụ tăng nồng độ ion canxi và giảm lượng glucose là dấu hiệu của ung thư gan.
- Xét nghiệm chức năng gan: thông qua chỉ số ALT, AST, ALP. Chẳng hạn tăng ALT và AST nhưng không tăng đáng kể bilirubin hoặc ALP. Đây cũng là một gợi ý của tiềm ẩn ung thư.
Xét nghiệm máu tầm soát ung thư tuyến giáp
Không chỉ định xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Xét nghiệm máu chỉ có thể cho biết chức năng hoạt động của tuyến giáp có bình thường không. Dựa vào kết quả này bác sĩ có thể quyết định các xét nghiệm khác để theo dõi một số bệnh ung thư. Trong đó có ung thư tuyến giáp.
Để kiểm tra hoạt động cũng như chức năng của tuyến giáp có thể thực hiện:
- Xét nghiệm nồng độ TSH hoặc thyrotropin. Đây là hormone kích thích tuyến giáp hoạt động. Tuy nhiên TSH thường ở mức bình thường trong ung thư tuyến giáp.
- Xét nghiệm T3 và xét nghiệm T4. Đây là 2 hormone chính được tiết ra bởi tuyến giáp. Xét nghiệm này cho biết chức năng hoạt động của tuyến giáp. Vì trong bệnh lý ung thư tuyến giáp, mức T3 và T4 cũng nằm ở mức bình thường.
- Không thể chỉ định đo nồng độ thyroglobulin trong máu để chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên chỉ số này rất có ích trong giai đoạn điều trị bệnh. Nếu thực hiện phẫu thuật và dùng i-ốt phóng xạ để loại tế bào ung thư sẽ làm giảm lượng thyroglobulin xuống rất thấp trong vài tuần. Nếu sau điều trị mà nó không thấp có nghĩa là vẫn còn tế bào ung thư tuyến giáp. Và nếu lúc đầu thấp nhưng sau đó tăng lại thì đây là dấu hiệu cho thấy có thể ung thư bị tái phát.
- Calcitonin là hormone kiểm soát lượng canxi cơ thể sử dụng. Được tế bào C trong tuyến giáp sản xuất. Và có thể phát triển thành ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC). Nếu gia đình có tiền sử hoặc nghi ngờ mắc bệnh, xét nghiệm máu thông qua chỉ số calcitonin có thể phát hiện MTC. Ngoài ra cũng có thể chỉ định xét nghiệm này để đánh giá khả năng MTC tái phát.
- Xét nghiệm kháng nguyên carcinoembryonic để theo dõi ung thư tuyến giáp thể tủy. Vì trong bệnh lý này thường gây tăng cao nồng độ protein carcinoembryonic.
Xét nghiệm máu tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm công thức máu toàn phần không thể chẩn đoán ung thư cổ tử cung do không có chứng cứ xác thực nào. Nhưng xét nghiệm này rất quan trọng. Và là 1 phần của quy trình xét nghiệm ung thư cổ tử cung.
Bạn có thể thực hiện 2 xét nghiệm để sàng lọc bệnh trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. 2 xét nghiệm tầm soát bao gồm: xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap. Nếu có bất thường về 2 xét nghiệm này thì có nghĩa là cần phải chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên biệt khác để chẩn đoán. Đồng thời bác sĩ sẽ khai thác tiền sử cũng như dấu hiệu và triệu chứng bệnh để có thể kết luận chính xác nhất. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung có thể là chảy máu âm đạo hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Bên cạnh các xét nghiệm máu liên quan đến việc chẩn đoán và theo dõi bệnh lý ung thư, một số xét nghiệm máu khác cũng được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn như xét nghiệm máu khi mang thai, xét nghiệm máu gót chân trẻ sơ sinh, xét nghiệm máu HIV,….
Xét nghiệm máu gót chân trẻ sơ sinh phát hiện được bệnh lý nào?
Xét nghiệm máu gót chân là gì?
Xét nghiệm vết máu là thực hiện việc lấy mẫu máu của trẻ sơ sinh để xem có mắc các bệnh lý hiếm gặp hay bệnh đặc biệt nghiêm trọng không.
Thông thường trẻ sơ sinh sẽ rất ít mắc phải những căn bệnh này. Tuy nhiên một số ít trẻ vẫn mắc phải. Chính vì vậy xét nghiệm sàng lọc này đem lại lợi ích rất lớn. Nó giúp:
- Phát hiện sớm bệnh và có thể điều trị kịp thời để cải thiện sức khỏe.
- Phòng ngừa các dị tật nghiêm trọng.
- Và nguy hiểm hơn là có thể giảm tỷ lệ tử vong.
Xét nghiệm máu gót chân giúp phát hiện bệnh lý gì?
Lấy máu gót chân được khuyến nghị thực hiện trong vòng từ 24 – 72 giờ. Hoặc có thể kéo dài trong 8 ngày sau khi sinh.
Xét nghiệm vết máu giúp phát hiện các bệnh lý hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm sau:
- Bệnh hồng cầu hình liềm.
- Bệnh xơ nang.
- Suy giáp bẩm sinh.
- Rối loạn chuyển hóa di truyền: bao gồm 6 bệnh. Đó là phenylketon niệu (PKU), thiếu hụt acyl-CoA dehydrogenase chuỗi trung bình (MCAD), bệnh siro niệu (Maple syrup urine disease – MSUD), tăng acid isovaleric (IVA), axit glutaric niệu loại 1 (GA1) và homocystin niệu (pyridoxine không phản ứng) (HCU).
- Suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID).
Trẻ sơ sinh có thật sự cần thực hiện xét nghiệm máu gót chân không?
Không có quy định nào bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm vết máu. Nhưng nó được khuyến khích để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý nguy hiểm.
Việc lấy máu sàng lọc sau sinh không gây nguy hiểm. Chi phí khi thực hiện không quá tốn kém nhưng mang lại lợi ích và hiệu quả rất to lớn. Chính vì vậy lấy máu gót chân trẻ sơ sinh là việc làm rất cần thiết. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giúp trẻ:
- Phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
- Phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm gây khuyết tật hoặc tử vong.
Trẻ sơ sinh có thể được kiểm tra tất cả các bệnh lý trừ bệnh xơ nang cho đến khi 12 tháng tuổi. Bệnh xơ nang chỉ có thể tầm soát trong vòng 8 tuần tuổi.
Ý nghĩa của các kết quả
Đa số các trẻ sau khi sàng lọc sẽ có kết quả âm tính. Có nghĩa là sức khỏe bình thường.
Vẫn có số ít trẻ có kết quả sàng lọc dương tính với một trong số các bệnh lý trên. Nhưng kết quả này không có nghĩa là trẻ thật sự mắc bệnh đó. Chỉ là khả năng mắc bệnh của trẻ cao hơn người khác. Gia đình sẽ được hướng dẫn đến gặp chuyên gia y tế có chuyên môn về bệnh lý đó để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.
Quan trọng nhất là mọi người trước khi lấy máu gót chân cần biết là kết quả sàng lọc này không chắc chắn 100%. Kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả vẫn có thể xảy ra.
Xét nghiệm máu gót chân bao nhiêu tiền?
Đây là một phương pháp xét nghiệm mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến nên giá xét nghiệm máu gót chân sẽ dao động từ 200.000 VNĐ – 2.000.000 VNĐ.
Câu hỏi thường gặp khi sàng lọc vết máu ở trẻ sơ sinh
Trẻ sinh non nên làm tầm soát khi nào?
Nếu trẻ sinh non hoặc có vấn đề sức khỏe cần nhập viện lấy máu xét nghiệm để điều trị. Mẫu máu này sẽ được mang đi tầm soát bệnh hồng cầu hình liềm nếu em bé được chỉ định truyền máu.
Trường hợp nếu trẻ sinh non, sức khỏe không tốt hoặc đã truyền máu. Lấy máu gót chân thường thực hiện vào ngày thứ 5 sau nhập viện. Và mẫu máu này sẽ được đem đi kiểm tra và tầm soát các bệnh lý nguy hiểm. Đó là:
- Bệnh xơ nang.
- Suy giáp bẩm sinh.
- Rối loạn chuyển hóa di truyền: bao gồm 6 bệnh. Đó là phenylketon niệu (PKU), thiếu hụt acyl-CoA dehydrogenase chuỗi trung bình (MCAD), bệnh siro niệu (Maple syrup urine disease – MSUD), tăng acid isovaleric (IVA), axit glutaric niệu loại 1 (GA1) và homocystin niệu (pyridoxine không phản ứng) (HCU).
- Suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID).
Trường hợp sinh trước 32 tuần thì cần phải được chỉ định thêm xét nghiệm suy giáp bẩm sinh khi đủ 28 ngày tuổi hoặc khi trẻ được xuất viện. Việc thực hiện phụ thuộc vào thời điểm sinh sớm.
Khi nào cần lấy vết máu lần thứ hai?
Một số trường hợp cần lấy máu gót chân lần 2. Nguyên nhân có thể là do:
- Lấy không đủ lượng máu để thực hiện xét nghiệm.
- Kết quả không rõ ràng.
Ngoài ra có thể là do trẻ sinh non. Khi sinh trước tuần thai 32, xét nghiệm vào ngày thứ 5 có thể không phát hiện ra suy giáp bẩm sinh. Các xét nghiệm phát hiện bệnh lý khác vẫn nên được thực hiện. Khi trẻ được 28 ngày tuổi thì thực hiện thêm xét nghiệm suy giáp bẩm sinh.
Xét nghiệm máu bình thường có phát hiện HIV không?
Xét nghiệm máu toàn phần không thể phát hiện được bệnh HIV. Để xác định virus HIV có ở trong cơ thể không phải làm các xét nghiệm chuyên môn vào các thời điểm thích hợp. Như vậy mới có thể xác định chính xác có mắc bệnh HIV hay không.
Các xét nghiệm HIV bao gồm:
Xét nghiệm kháng thể
Xét nghiệm này giúp tìm ra kháng thể chống lại virus HIV có trong máu hoặc dịch miệng.
Lấy máu từ tĩnh mạch xét nghiệm có thể phát hiện HIV sớm hơn lấy máu ở ngón tay hoặc dịch tiết ở miệng.
Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể
Là xét nghiệm tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV.
Xét nghiệm này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến khích và rất phổ biến ở Hoa Kỳ. Xét nghiệm sẽ lấy máu ở tĩnh mạch hoặc đầu ngón tay.
Xét nghiệm kháng nguyên
Là xét nghiệm tìm kiếm virus HIV ở trong máu. Ngoài ra còn cho biết lượng virus hiện có trong máu. Đây là xét nghiệm không được chỉ định thường để sàng lọc vì khá tốn kém. Nó chỉ được chỉ định khi có nguy cơ hoặc nguy cơ phơi nhiễm cao. Hoặc được chỉ định khi xuất hiện các triệu chứng của HIV sớm.
Xét nghiệm tìm kháng nguyên có thể phát hiện HIV sớm hơn các xét nghiệm khác.
Sau khi xét nghiệm HIV, bao lâu thì có kết quả?
Thời gian có kết quả phụ thuộc vào loại xét nghiệm và nơi thực hiện xét nghiệm. Nếu:
- Tự xét nghiệm: Có kết quả trong 20 phút.
- Xét nghiệm kháng thể nhanh: lấy máu từ đầu ngón tay hoặc dịch miệng. Kết quả sẽ có trong vòng 30 phút.
- Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể: lấy máu ở đầu ngón tay thì chỉ mất khoảng 30 phút là có kết quả.
- Xét nghiệm kháng nguyên: lâu hơn các xét nghiệm khác. Có thể mất vài ngày mới có kết quả.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán mang thai
Nếu nghi ngờ mang thai, bạn có thể đến các phòng xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm máu. Xét nghiệm này giúp phát hiện hormone hCG có trong máu hoặc nước tiểu người mẹ.
Hormone hCG hay còn gọi là Human Chorionic Gonadotropin. Với vai trò:
- Kích hoạt tế bào mầm ở thai nhi phát triển.
- Kích thích bài tiết các hormone sinh dục. Loại hormone quy định giới tính của thai nhi.
Sau khi trứng được thụ tinh và làm tổ trong niêm mạc tử cung, hCG sẽ xuất hiện. Nó đạt ngưỡng cao nhất khi thai được 2,5 tháng tuổi. Sau đó nồng độ hCG sẽ ổn định cho tới lúc sinh. Việc hormone hCG có trong máu là bằng chứng xác thực nhất của dấu hiệu mang thai.
Có 2 loại xét nghiệm beta hCG:
- Xét nghiệm máu định tính hCG: Kiểm tra cơ thể có đang sản xuất hCG không. Nó giúp bạn trả lời câu hỏi là có hay không có mang thai.
- Xét nghiệm máu định lượng hCG: Đo nồng độ hCG có trong máu.
Xét nghiệm máu giúp phát hiện sớm hormone hCG hơn xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên chi phí và kết quả xét nghiệm thường lâu hơn xét nghiệm nước tiểu.
Xét nghiệm máu khi mang thai
Trong giai đoạn mang thai sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu. Với mục đích là kiểm tra xem tình trạng sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Ngoài ra nếu có nghi ngờ về nhiễm trùng hoặc bệnh lý di truyền thì cũng sẽ được chỉ định xét nghiệm máu.
Xét nghiệm máu khi mang thai sẽ cho biết các thông tin sau:
- Nhóm máu: sẽ biết được mình có nhóm máu gì. Điều này sẽ rất có ích nếu bạn được chỉ định truyền máu. Các trường hợp cần truyền máu có thể là băng huyết khi mang thai hoặc khi sinh.
- Yếu tố Rhesus (RhD): cho biết có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu không. Yếu tố này cũng có vai trò quan trọng trong truyền máu. Vì người có máu Rh (-) chỉ nhận được máu cùng nhóm là Rh (-). Ngược lại Rh (+) thì có thể nhận máu từ người có Rh (-) hoặc Rh (+) đều được.
- Thiếu máu khi mang thai: Phụ nữ mang thai thường rất bị thiếu máu hoặc thiếu sắt. Xét nghiệm máu giúp phát hiện sớm và bổ sung kịp thời để đảm bảo sức khỏe cả mẹ lẫn con. Vì sắt rất cần thiết trong giai đoạn mang thai. Sắt giúp cung cấp đủ máu và vận chuyển oxy cùng chất dinh dưỡng cần thiết đi nuôi cơ thể. Em bé cũng sẽ nhận dinh dưỡng và oxy từ mẹ. Vì vậy nếu mẹ thiếu máu khi mang thai thì phải được điều trị ngay.
- Nhiễm trùng: xét nghiệm máu giúp phát hiện một số bệnh gây nhiễm trùng có thể ảnh hưởng thai nhi. Bao gồm: sởi, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, HIV,…
- Tiểu đường thai kỳ: là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường. Tiểu đường thai kỳ thường tiến triển trong tam cá nguyệt thứ ba. Có nghĩa là thai phụ thường mắc bệnh sau 28 tuần thai. Và bệnh sẽ biến mất sau khi sanh. Tuy nhiên nếu không theo dõi và kiểm soát tốt thì khả năng cao sẽ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2.
Xét nghiệm máu có biết thai ngoài tử cung không?
Xét nghiệm máu đo nồng độ hCG cũng là một cách hữu hiệu nhất để xác định thai ngoài tử cung mà khi siêu âm không thể phát hiện được. Điều này là do nồng độ hCG có xu hướng thấp và tăng chậm hơn so với từng giai đoạn phát triển thai kỳ bình thường.
Bên cạnh đó kết quả của xét nghiệm còn rất có lợi trong việc xác định phương pháp điều trị thai ngoài tử cung. Xét nghiệm đo hCG được thực hiện 2 lần và cách nhau 48 giờ. Với mục đích kiểm tra mức độ thay đổi của hCG theo thời gian.
Xét nghiệm máu lắng
Tổng quan
Xét nghiệm máu lắng còn được gọi là tốc độ máu lắng hay tốc độ lắng hồng cầu (ESR). Xét nghiệm này giúp đánh giá và theo dõi tiến triển của tình trạng viêm trong cơ thể.
Đây là xét nghiệm không có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh. Nó chỉ giúp xác định cơ thể có đang trong tình trạng viêm hay không.
Tại sao cần thực hiện xét nghiệm máu lắng?
Khi cơ thể có tình trạng viêm, các tế bào hồng cầu sẽ lắng xuống và bám vào nhau tụ lại thành cụm. Điều này sẽ làm thay đổi tốc độ lắng của tế bào hồng cầu trong ống nghiệm. Nếu kết quả cho thấy tốc độ lắng càng nhanh thì càng chắc chắn được cơ thể đang bị viêm.
Tuy nhiên xét nghiệm này chỉ có thể xác nhận và ước lượng tình trạng viêm. Mà không thể xác định được nguyên nhân tại sao bị viêm. Vì vậy xét nghiệm máu lắng ít khi được thực hiện riêng lẻ. Bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm kết hợp để xác định nguyên nhân chính xác gây viêm.
Thường chỉ định xét nghiệm trong các bệnh lý sau:
- Viêm động mạch tế bào khổng lồ.
- Viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp.
- Các bệnh lý tự miễn.
- Bệnh ung thư.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
Cần chuẩn bị gì khi thực hiện xét nghiệm máu lắng?
Xét nghiệm máu lắng là 1 xét nghiệm đơn giản. Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm. Tuy nhiên nên thông báo với nhân viên y tế tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng.
Kết quả xét nghiệm máu lắng
Kết quả của xét nghiệm máu lắng được đo theo milimet (mm) trong một giờ tế bào hồng cầu lắng xuống. Phạm vi bình thường đối với:
- Nam: 0 – 22 mm/giờ.
- Nữ: 0 – 29 mm/giờ.
Tuy nhiên kết quả có thể chênh lệch một chút so với giá trị tham khảo bên trên.
Một số yếu tố ảnh hưởng độ chính xác của kết quả
Đặc tính của máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Do đó nó cũng ảnh hưởng đến tốc độ lắng của tế bào hồng cầu. Các yếu tố ảnh hưởng kết quả xét nghiệm máu lắng là:
- Tuổi cao.
- Tình trạng: thiếu máu, nhiễm trùng.
- Đang mang thai.
- Có vấn đề về thận.
- Bệnh lý tuyến giáp, bệnh tự miễn.
- Ung thư: u đa tủy.
Xét nghiệm máu sùi mào gà
Xét nghiệm máu thông thường không thể chẩn đoán được bệnh mụn cóc sinh dục (sùi mào gà). Mà chỉ có thể phát hiện ra dấu hiệu của bệnh lây qua đường tình dục liên quan đến sùi mào gà. Các bệnh lây qua đường tình dục bao gồm: lậu, giang mai và nhiễm Chlamydia.
Do đó, cần thực hiện xét nghiệm sùi mào gà chuyên biệt để chẩn đoán chính xác bệnh.
Xét nghiệm máu có phát hiện nghiện ma túy không?
Có thể thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện người đó có sử dụng ma túy không. Tuy nhiên nó rất ít phổ biến vì tính xâm lấn và có kết quả sau vài giờ sử dụng.18
Thông thường, xét nghiệm được chỉ định để phát hiện ma túy là xét nghiệm nước tiểu. Vì đây là xét nghiệm không xâm lấn, có kết quả nhanh chóng và một số thuốc có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm này.18
Xét nghiệm máu sốt xuất huyết
Xét nghiệm máu thông thường không thể chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết. Mà phải kết hợp với các xét nghiệm chuyên môn khác mới có thể kết luận được bệnh. Những loại xét nghiệm máu thường được chỉ định đối với bệnh nhân sốt xuất huyết như sau:19
Xét nghiệm công thức máu toàn phần
Xét nghiệm giúp theo dõi bệnh. Đồng thời hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
Xét nghiệm chức năng thận
Dùng để theo dõi và đánh giá các chỉ số: ure, creatinin, micro albumin niệu. Qua đó giúp phát hiện sớm các tổn thương ở thận do biến chứng của sốt xuất huyết.
Xét nghiệm điện giải đồ
Dùng để theo dõi các chỉ số của ion Na+, K+ và Cl-. Từ đó giúp đánh giá tình trạng rối loạn điện giải.
Xét nghiệm CRP
Dùng để đánh giá tình trạng viêm của cơ thể. Đồng thời hỗ trợ trong chẩn đoán nguyên nhân gây sốt. Và đánh giá hiện tượng bội nhiễm của bệnh lý sốt xuất huyết.
Xét nghiệm kháng nguyên
Hay còn gọi là xét nghiệm Dengue NS1. Thường chỉ định xét nghiệm này khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết từ ngày 1 đến ngày 3. Vì nồng độ kháng nguyên trong máu đã giảm rất thấp. Nên sau 3 ngày mắc bệnh, xét nghiệm này sẽ không còn giá trị. Vì vậy mà mà có thể nhận kết quả âm tính giả dù trong máu vẫn còn tồn tại virus gây bệnh.
Xét nghiệm kháng thể IgM
Dùng để chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng hiện tại hoặc gần đây của cơ thể. IgG và IgM là 2 kháng thể do cơ thể sản xuất ra để phản ứng lại với nhiễm trùng của sốt xuất huyết.
Để có hiệu quả cao nhất thì sau khi tiếp xúc ít nhất 7-10 ngày nên thực hiện xét nghiệm này. Trong vài tuần đầu nồng độ IgM trong máu sẽ tăng lên và giảm dần sau đó. Nồng độ IgM sẽ giảm xuống dưới mức phát hiện được sau một vài tháng.
Xét nghiệm kháng thể IgG
Kháng thể IgG được cơ thể sản xuất chậm hơn IgM. Nó cũng giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Đa số ở giai đoạn cấp tính nồng độ IgG sẽ tăng lên. Sau đó dần ổn định và tồn tại lâu dài. Sau giai đoạn nhiễm virus Dengue cấp tính từ 10-14 ngày thì kháng thể IgG sẽ xuất hiện và tồn tại suốt đời. Vì vậy xét nghiệm IgG giúp trả lời câu hỏi người bệnh có từng nhiễm virus Dengue chưa? Chứ xét nghiệm kháng thể IgG không giúp chẩn đoán tình trạng bệnh ở giai đoạn sốt cấp cấp tính.
Xét nghiệm máu để nhổ răng khôn
Không có quy định nào bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm máu trước khi nhổ răng khôn. Tuy nhiên để đảm bảo không xảy ra bất kỳ bất thường nào về tế bào máu hay quá trình đông máu thì vẫn khuyến khích thực hiện một số xét nghiệm. Đó là:20
Tổng phân tích tế bào máu
Đảm bảo và theo dõi số lượng các tế bào máu sau giai đoạn phẫu thuật. Đồng thời đảm bảo không có vấn đề xảy ra trong quá trình vết thương lành lại.
Ngoài ra kết quả sẽ cho biết:
- Bạn có đang bị tình trạng thiếu máu hay không?
- Số lượng tiểu cầu. Vì tiểu cầu ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể.
Xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng (giun, sán) được hay không?
Xét nghiệm máu chỉ có thể phát hiện một số trường hợp nhiễm ký sinh trùng chứ không phát hiện được tất cả. Bác sĩ thường chỉ định 2 loại xét nghiệm là:21
Xét nghiệm huyết thanh
Dùng để tìm kháng thể do cơ thể tạo ra hoặc kháng nguyên ký sinh trùng khi nhiễm ký sinh trùng và cơ thể đang phải cố gắng chống lại những loại ký sinh trùng đó.
Tùy vào triệu chứng và nghi ngờ nhiễm loại ký sinh trùng nào mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cụ thể.
Xét nghiệm phết máu
Dùng để tìm ký sinh trùng có trong máu. Thực hiện bằng cách nhỏ 1 giọt máu lên lame kính. Sau đó tiến hành nhuộm màu lame kính. Cuối cùng là soi lame kính dưới kính hiển vi.
Xét nghiệm này giúp phát hiện bệnh do một số kí sinh trùng gây ra như:
- Giun chỉ.
- Plasmodium gây bệnh sốt rét.
- Bệnh Babesia: là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp. Do một loài ký sinh trùng rất nhỏ Babesia gây ra. Bệnh này còn có tên gọi là bệnh lê dạng trùng.
Xét nghiệm đông máu
3 thành phần chính giúp cơ thể dễ dàng đông máu chính là:20
- Sự co mạch.
- Tiểu cầu.
- Quá trình đông máu được hoạt hóa: chia thành 3 con đường. Đó chính là: đông máu nội sinh, đông máu ngoại sinh và quá trình đông máu chung.
Ứng với mỗi quá trình đông máu là các xét nghiệm tương ứng. Có 2 hình thức xét nghiệm kiểm tra đông máu là: cơ bản và chuyên sâu.
Xét nghiệm đông máu cơ bản20
Xét nghiệm đông máu cơ bản là các xét nghiệm tổng quát cơ bản. Cho biết thời gian chảy máu và co cục máu đông. Đồng thời hỗ trợ trong chẩn đoán khi bệnh nhân bị:
- Thiếu vitamin C có hiện tượng cầm máu bất thường ở giai đoạn đầu.
- Tiểu cầu giảm số lượng và chất lượng.
- Các hội chứng của rối loạn đông máu.
Công thức máu toàn phần (CBC): là xét nghiệm thường quy trong theo dõi sức khỏe thông thường. Kết quả sẽ cảnh báo người bệnh bị thiếu máu hoặc có số lượng tiểu cầu thấp gây cản trở quá trình đông máu.
Xét nghiệm đông máu chuyên sâu20
Là các xét nghiệm dùng để:
- Kiểm tra độ kết tập của tiểu cầu: xét nghiệm chuyên sâu.
- Đánh giá tình trạng đông máu huyết tương: xét nghiệm APTT, PT, TT, fibrinogen, số lượng tiểu cầu.
- Phát hiện sự có mặt của các chất ức chế: xét nghiệm mix test.
- Xét nghiệm hoạt tính của các yếu tố đông máu.
Xét nghiệm nồng độ fibrinogen
Gan sẽ tạo ra 1 loại protein là fibrinogen. Bất thường về nồng độ fibrinogen là dấu hiệu của:
- Chảy quá nhiều máu hay xuất huyết.
- Tiêu sợi huyết.
- Hiện tượng bánh nhau thai tách khỏi thành tử cung gây chảy máu.
Xét nghiệm thời gian prothrombin
1 loại protein khác cũng do gan sản xuất là prothrombin. Đây là xét nghiệm đo mức độ và thời gian đông máu. Thông thường thời gian đông máu sẽ trong khoảng từ 25 – 30 giây.
Các yếu tố làm ảnh hưởng đến thời gian đông máu là:
- Bệnh hemophilia hay còn gọi là bệnh ưa chảy máu.
- Bệnh gan.
- Kém hấp thu.
- Thuốc chống đông máu: warfarin, coumarin,…
Và xét nghiệm này thường được chỉ định cùng với xét nghiệm thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa (aPTT).
Xét nghiệm số lượng tiểu cầu
Tiểu cầu là một trong những yếu tố giúp đông máu.
Một số yếu tố làm số lượng tiểu cầu giảm như:
- Đang hóa trị.
- Dùng một số loại thuốc.
- Bệnh Celiac.
- Thiếu vitamin K.
- Bệnh bạch cầu.
Các yếu tố gây tăng cao bất thường số lượng tiểu cầu là:
- Tình trạng thiếu máu.
- Tăng tiểu cầu nguyên phát.
- Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML).
Xét nghiệm thời gian thrombin
Là xét nghiệm dùng để đo mức độ hoạt động của fibrinogen. Các yếu tố có thể dẫn đến kết quả bất thường về thời gian thrombin là:
- Rối loạn fibrinogen di truyền.
- Bệnh gan.
- Bệnh ung thư.
- Một số loại thuốc.
Xét nghiệm yếu tố đông máu V
Là một trong những yếu tố tham gia vào quá trình đông máu. Nếu nồng độ yếu tố V ở mức thấp là dấu hiệu của:
- Bệnh gan.
- Tiêu sợi huyết nguyên phát.
- Đông máu nội mạch lan tỏa (DIC).
Xét nghiệm máu dị ứng
Khi xuất hiện triệu chứng hoặc dấu hiệu nghi ngờ về tình trạng dị ứng sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm. Bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc cả 2 xét nghiệm sau đây. Tuy nhiên cả 2 xét nghiệm này đều có thể mang lại kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.22
Xét nghiệm da
Là xét nghiệm thực hiện bằng cách tiêm vào da lượng nhỏ chất gây dị ứng phổ biến. Nếu cơ thể dị ứng, da sẽ có hiện tượng phát ban tại các vị trí tiêm trên da.
Xét nghiệm máu
Cụ thể là xét nghiệm IgE hay còn gọi là xét nghiệm RAST hoặc xét nghiệm immunoCAP. Đây là xét nghiệm giúp đo lượng kháng thể immunoglobulin E (IgG) chống lại tác nhân gây dị ứng của cơ thể.
Xét nghiệm máu có ra viêm gan B không?23
Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện virus gây viêm gan B. Đồng thời cũng cho biết bệnh trong giai đoạn cấp hay mạn tính. Tuy nhiên để giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý cũng như các biến chứng thì nên kết hợp thêm các xét nghiệm khác như: siêu âm gan hoặc sinh thiết gan.
Xét nghiệm HBsAg
Vì HBsAg là kháng nguyên trên bề mặt của virus viêm gan B nên xét nghiệm HBsAg là xét nghiệm mang tính chất quyết định có mắc bệnh hay không. Xét nghiệm HBsAg có 2 dạng là:
- Xét nghiệm định tính: chẩn đoán có mắc siêu vi B hay không.
- Xét nghiệm định lượng: cho biết lượng kháng nguyên trong cơ thể ở mức độ nhiều hay ít. Xét nghiệm này mang tính theo dõi quá trình điều tị bệnh hơn là chẩn đoán bệnh.
Kết quả:
- Dương tính: mắc bệnh viêm gan B bao gồm cấp tính hay mạn tính.
- Âm tính: không mắc siêu vi B.
Xét nghiệm Anti-HBs
Hay còn gọi là xét nghiệm HBsAb. Đây là xét nghiệm tìm kháng thể chống lại kháng nguyên HBsAg. Nếu kết quả:
- Dương tính: nếu đã từng mắc viêm gan B và đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm ngừa vaccine viêm gan B. Điều này có nghĩa là người bệnh đã có miễn dịch với virus gây viêm gan B.
- Nồng độ Anti-HBs lớn hơn 10 mUI/ml thì được xem có tác dụng bảo vệ.
Xét nghiệm HBeAg
HBeAg là một đoạn kháng nguyên ở trên lớp vỏ virus. Nếu kết quả HBeAg dương tính có nghĩa virus đang trong quá trình nhân bản và khả năng lây bệnh mạnh. Đây là xét nghiệm chứng tỏ virus viêm gan B đang hoạt động. Ngược lại nếu kết quả âm tính thì có thể xảy ra 2 trường hợp:
- Virus không hoạt động.
- Virus ở thể đột biến.
Xét nghiệm Anti-HBe
Anti-HBe là kháng thể chống lại kháng nguyên HBeAg. Kết quả dương tính có nghĩa là người bệnh có miễn dịch một phần với virus viêm gan B. Ngược lại nếu kết quả âm tính thì có nghĩa chưa có miễn dịch.
Xét nghiệm Anti-HBc
Anti-HBc hay HBcAb là kháng thể chống lại kháng nguyên lõi HBcAg ở virus viêm gan B. Kháng thể này thường xuất hiện rất sớm và tồn tại mãi mãi trong cơ thể người bệnh. Vậy nên xét nghiệm này cho biết người bệnh có từng phơi nhiễm với virus gây bệnh viêm gan B hay chưa
Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Anti-HBc IgM là kháng thể chống lại kháng nguyên HBcAg loại IgM. Ở giai đoạn cấp tính mới xuất hiện kháng thể này. Vì vậy xét nghiệm này chỉ giúp chẩn đoán viêm gan B giai đoạn bệnh cấp tính hoặc viêm gan B mạn tính nhưng đang trong đợt cấp của bệnh.
Xét nghiệm máu có biết bị viêm phổi không?
Xét nghiệm máu không được chỉ định thực hiện để chẩn đoán ung thư phổi. Mà chỉ có thể thông qua số lượng bạch cầu xác định tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể.24
Đó là xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC). Từ đó giúp bác sĩ có thể nuôi cấy máu tìm ra chính xác loại vi khuẩn gây viêm phổi. Đồng thời kết hợp thêm các phương pháp chẩn đoán khác như chụp X-Quang phổi, xét nghiệm đờm, cấy máu, nội soi phế quản,… để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân viêm phổi và tình trạng chức năng phổi. Qua đó giúp chọn lựa được phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng tình trạng ở mỗi bệnh nhân.24
Xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh sởi
Xét nghiệm máu tổng quát không thể chẩn đoán được bệnh sởi. Muốn biết có mắc sởi hay không thường dùng xét nghiệm MAC-ELISA để chẩn đoán bệnh sởi. Xét nghiệm này giúp phát hiện kháng thể IgM. Kháng thể này rất đặc hiệu với sởi trong huyết thanh của người.25
Bệnh quai bị có xét nghiệm máu được không?
Trong xét nghiệm máu tổng quát về bệnh quai bị thì:26
- Bạch cầu giảm.
- Bạch cầu đa nhân trung tính sẽ giảm nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus. Tăng khi nguyên nhân là do vi khuẩn.
Tuy nhiên xét nghiệm máu tổng quát không được dùng để chẩn đoán quai bị.
Người ta thường sử dụng xét nghiệm kháng thể để xác định bệnh.
Xét nghiệm kháng thể IgM
Sau khi tiêm ngừa vaccine hoặc tiếp xúc với virus gây quai bị, cơ thể sẽ sản xuất kháng thể IgM trong máu đầu tiên. Trong vài ngày sau đó kháng thể IgM tăng đến mức tối đa. Các tuần sau đó sẽ bắt đầu giảm dần.
Trường hợp nếu chưa tiêm vaccine nhưng có kháng thể IgM thì chứng tỏ người này đã bị lây nhiễm quai bị.
Tuy nhiên nếu phát hiện có đồng thời cả 2 loại kháng thể IgM và IgG thì chứng tỏ đã mắc bệnh quai bị.
Xét nghiệm kháng thể IgG
IgG là loại kháng thể được cơ thể sản xuất sau loại IgM. Tuy nhiên nó lại rất có hiệu quả trong bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng do virus quai bị gây ra.
Trên đây là những thông tin về một số xét nghiệm máu được chỉ định trong việc tìm ra các vấn đề, bệnh lý của cơ thể. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp xét nghiệm chuyên biệt. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn thông tin xét nghiệm máu để làm gì và xét nghiệm máu có phát hiện ung thư không? cùng những vấn đề liên quan khác.