Ung thư mà một bệnh chưa bao giờ là hết nóng tại mọi thời điểm trong lịch sử và đến hiện tại. Nó cũng đã trở thành nỗi khiếp sợ của rất nhiều người. Do vậy, ai cũng mong muốn có thể phát hiện sớm ung thư ngay khi có thể. Xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư là một công cụ thật lý tưởng đúng không nào? Vừa tiện, vừa nhanh chóng và ít xâm lấn đến cơ thể. Nhưng thật sự nó có ý nghĩa như thế nào và liệu có thể ứng dụng thật sự không?
Xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư là gì?
Các xét nghiệm này hoạt động theo cơ chế là nhận diện ra các dấu ấn ung thư (tumor markers). Chúng là các chất được tế bào ung thư tiết ra nhiều hơn bình thường, do đó chúng sẽ gợi ý bệnh lý tương ứng. Ví dụ cho một số dấu ấn ung thư phổ biến:
- AFP (Alpha-fetoprotein): Trong ung thư gan, ung thư tế bào mầm.
- CA125 (Cancer antigen 125): Trong ung thư buồng trứng, vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày,…
- CA15-3 (Cancer antigen 15-3): Trong ung thư vú, ung thư tuỵ,…
- CA19-9 (Carbohydrate antigen 19-9): Trong ung thư tuỵ, ung thư gan mật,…
- CEA (Carcinoembryonic antigen): Trong ung thư đại trực tràng.
- hCG hay beta hcG (human chorionic gonadotropin): Trong các ung thư nguyên bào nuôi, ung thư tinh hoàn,…
- PSA (prostate-specific antigen): Trong ung thư tuyến tiền liệt.
Xét nghiệm thế nào là giá trị và có hiệu quả?
Một xét nghiệm lý tưởng cần được đánh giá bởi hai thông số
Độ nhạy
Là khả năng phát hiện bệnh của xét nghiệm. Độ nhạy càng cao thì nguy cơ bỏ sót bệnh càng thấp. Xét nghiệm sàng lọc cần phải có độ nhạy cao. Khi một xét nghiệm có độ nhạy cao mà cho kết quả âm tính thì chúng ta có thể loại trừ được bệnh.
Độ đặc hiệu
Chỉ ra khả năng xác định được bệnh. Một xét nghiệm có độ đặc hiệu càng cao thì có thể chẩn đoán bệnh được càng chính xác. Khi xét quả xét nghiệm có độ đặc hiệu cao cho kết quả dương tính thì chỉ điểm khả năng mắc bệnh là rất cao.
Chúng ảnh hưởng thế nào đến chất lượng xét nghiệm?
Sàng lọc bệnh thì xét nghiệm cần phải có độ nhạy cao, tuy nhiên độ đặc hiệu cũng phải chấp nhận được. Tương tự, để chẩn đoán xác đinh thì độ đặc hiệu phải cao và đương nhiên độ nhạy cũng phải trong giới hạn cho phép. Ví dụ minh hoạ cho hai thông số xét nghiệm trên:
- Đái tháo đường thì xét nghiệm đường huyết là được chỉ định. Xét nghiệm đường huyết là công cụ có độ nhạy cao. Tức là trong cộng đồng những người có đái tháo đường thì hầu hết đều cho kết quả đường huyết cao. Đường huyết thấp hoặc bình thường trên một đối tượng nghi ngờ có thể giúp loại trừ chẩn đoán đái tháo đường. Độ đặc hiệu của xét nghiệm này thì không thật sự cao vì bệnh nhân có thể tăng đường huyết do stress, vận động, vừa mới ăn xong,… Nên để tăng độ đặc hiệu, người ta thường cho thử đường huyết đói, nghiệm pháp dung nạp glucose,…
- Trong ung thư đại tràng, để chẩn đoán xác định thì nội soi sinh thiết là tiêu chuẩn vàng. Xét nghiệm này có độ đặc hiệu cao, tức là nếu sinh thiết ra phù hợp ung thư, bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ung thư đai tràng. Nhưng nếu cho kết quả không phù hợp, thì chưa thể kết luận mà cần phối hợp thêm nhiều thứ khác.
Do đó, các xét nghiệm chúng ta sử dụng trên thực tế, cần dung hoà cả 2 thông số trên. Để có thể không bỏ sót cũng như không chẩn đoán sai lầm.
Vậy xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư có thể ứng dụng được không?
Nếu sử dụng chỉ một xét nghiệm đó để chẩn đoán thì câu trả lời là không! Đó là một điểm mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Ngược lại có thể mang lại hiệu quả ngược do nhiều khuyết điểm của nó.
Các khuyến cáo của các tổ chức, hiệp hội quốc tế cũng nói rất rõ:
- Không khuyến cáo sử dụng xét nghiệm máu đơn độc để chẩn đoán ung thư.
- Việc tầm soát bằng các dấu ấn ung thư có thể có hại và làm tăng các can thiệp không cần thiết.
Tại sao lại vậy? Câu trả lời sẽ dựa vào khái niệm 2 thông số xét nghiệm ở trên. Các xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư có độ nhạy và độ đặc hiệu chưa thoả để làm một phương tiện sàng lọc ban đầu.
Không phải trường hợp nào ung thư cũng tăng dấu ấn ung thư, nên độ nhạy của xét nghiệm sẽ thấp. Và trong rất nhiều bệnh lý khác hoặc thậm chí là trạng thái sinh lý khác, các dấu ấn này cũng có thể tăng. Do đế độ đặc hiệu của xét nghiệm sẽ không cao.
Ví dụ: Trong chẩn đoán ung thư buồng trứng, dấu chỉ CA-125 có thể được sử dụng. Tuy nhiên nếu dùng nó là phương tiện tầm soát sơ cấp thì nó không có giá trị. Độ nhạy trong tầm soát ung thư buồng trứng không triệu chứng chỉ là 10%, và độ đặc hiệu là 30%. Trong giai đoạn muộn thì độ nhạy có thể lên đến 85%, như vậy giá trị chẩn đoán sớm của xét nghiệm này là không có.
Vậy có phải xét nghiệm máu xác định các dấu ấn ung thư là vô dụng?
Điều này không đúng, thật ra chúng vẫn có vai trò nhất định. Chỉ là không nên dùng đơn độc với mục đích chẩn đoán sớm. Một số ứng dụng thực tế bao gồm:
Phối hợp với phương tiện khác trong chẩn đoán
Trong các trường hợp có triệu chứng hoặc trên nhóm nguy cơ cao. Xét nghiệm máu cho các dấu ấn ung thư có thể phối hợp để chẩn đoán.
Ví dụ ở những người lớn tuổi có triệu chứng đường tiểu:
Tiểu lắt nhắt, tiểu khó, khó chịu hoặc đau. Có thể nghi ngờ tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (hay gọi là bướu lành tuyến liền liệt) hoặc ung thư. Xét nghiệm PSA sẽ đưa ra, nếu chỉ số PSA cao, bác sĩ sẽ phối hợp thêm sinh thiết để đánh giá.
Theo dõi sau điều trị hoặc tái phát
Một vai trò khác mà hiện nay được dùng nhiều và tỏ ra có giá trị hơn là theo dõi điều trị hoặc sau mổ khối u.
Với một trường hợp ung thư đã được chẩn đoán xác đinh. Nồng độ chất chỉ điểm ung thư được coi là một dấu chỉ để theo dõi. Lý tưởng là chúng sẽ giảm theo thời gian cho thấy hiệu quả của điều trị. Hoặc ví dụ như trong ung thư tế bào gan nguyên phát (HCC). Khối u trong gan có thể được chỉ định điều trị bằng TACE (Nút hóa chất động mạch) làm tắc mạch máu nuôi khối u.
Theo dõi nồng độ AFP để đánh giá theo dõi sau đó là một phương tiện hữu ích. Trong khi điều trị, nếu nồng độ của dấu chỉ ung thư cao trở lại, cần cảnh giác xem bệnh có tái phát hoặc chưa đáp ứng điều trị phù hợp.
Tầm soát ung thư thế nào cho đúng?
Mặc dù ung thư thật sự đáng sợ, nhưng không phải bao giờ chúng ta cũng cần phải đi tìm “xem có ung thư không”. Và không phải là bao giờ đi tầm soát ung thư cũng là có lợi ích. Các nhà nghiên cứu đã dành rất nhiều thời gian và công sức để đưa ra các khuyến cáo tốt nhất. Một điều rõ ràng nhất, được đồng thuật nhiều nhất là tầm soát trên những đối tượng nguy cơ cao sẽ cho nhiều lợi ích rõ rệt nhất. Ví dụ như:
- Tầm soát ung gan bằng siêu âm khi mắc viêm gan siêu vi B, C mạn, xơ gan.
- Phụ nữ có HPV dương tính được tầm soát ung thư cổ tử cung bằng PAP smear định kỳ.
- Dân số nguy cơ cao ung thư dạ dày, ung thư đại tràng như ở Nhật Bản, Hàn Quốc được nội soi tầm soát.
- Người có bố mẹ anh chị em ruột bị ung thư vú tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh.
Phòng ngừa hay tầm soát?
Thay vì cứ đắn đo xem chúng ta cần xét nghiệm gì để tìm ra bệnh ung thư. Hãy hành động có ý nghĩa để giảm thiểu nguy cơ nhé, có rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Và quan trọng là chúng tỏ ra rất rất hiệu quả!
Tiêm chủng viêm gan siêu vi B
Một điều khá là buồn khi > 90% bệnh nhân ung gan dương tính với viêm gan siêu vi B. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây ung thư gan. Mặt khác, viêm gan siêu vị B cũng là nguyên nhân gây xơ gan thường gặp. Chủng ngừa viêm gan siêu vi B là vô cùng cần thiết.
Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia, viêm gan siêu vi B là vắc xin nằm trong đó. Do đó, chỉ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn. Đối với người lớn chưa tiêm, cần tiêm đủ 3 mũi theo quy định và tiêm nhắc lại mỗi năm duy trì nồng độ kháng thể phù hợp.
Chủng ngừa HPV
Virus HPV được chứng minh là gây nên bệnh cảnh ung thư cổ tử cung và sùi mào gà. Tiêm ngừa HPV là cần thiết để phòng bệnh. Hiện nay trên thị trường có những một số loại vắc xin khác nhau để ngừa các chủng phổ biến nhất. Đối tượng tiêm có hiệu quả bao gồm trẻ em, cả nữ lẫn nam giới, phụ nữ chưa quan hệ tình dục.
Lối sống lành mạnh
Việc cải thiện lối sống là một trong những chìa khoá cải thiện sức khoẻ của bạn. Chúng ta có thể thay đổi từ ăn uống cho đến thói quen sinh hoạt:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đủ các thực phẩm thiết yếu của các nhóm chất.
- Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, nhiều muối, nhiều dầu mỡ.
- Thể dục vận động hợp lý.
- Thói quen sinh hoạt tình dục lành mạnh và an toàn.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường sống, bảo hộ an toàn khi tiếp xúc hoá chất hay làm trong môi trường độc hại.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư là một công cụ rất nhiều người ưa thích nhưng thực tế hiệu quả của nó rất giới hạn và độ chính xác thấp. Ứng dụng trên thực tế không được công nhận. Do đó, để chăm sóc sức khoẻ mình tốt nhất hãy lắng nghe tư vấn từ bác sĩ. Việc tìm kiếm ung thư khi không có triệu chứng hay không có yếu tố nguy cơ thì có thể có hại.
Thay vào đó hãy thay đổi lối sống và phòng ngừa bằng những biện pháp tích cực để giảm thiểu nguy cơ ung thư. Một trong những việc quan trọng nhất là tiêm ngừa đầy đủ và dinh dưỡng hợp lí bạn nhé.