Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các hoạt động của cơ thể. Các xét nghiệm nội tiết tố nữ là hết sức quan trọng. Những xét nghiệm này được chỉ định để có thể xác định tình trạng bệnh lý mà phụ nữ đang gặp hoặc kiểm soát hiệu quả điều trị bằng các liệu pháp hormone. Vậy xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm những gì? Cách đọc kết quả các xét nghiệm nội tiết tố nữ như thế nào? 7-dayslim sẽ cùng bạn tìm hiểu qua bài viết sau.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ là gì?
Nội tiết tố là những chất hóa học trong cơ thể. Chúng có nhiều tác động đến quá trình phát triển thể chất, hoạt động sinh sản và điều chỉnh tâm trạng.
Bất kỳ giới tính nào cũng có nhiều những loại hormone đặc trưng trong cơ thể. Xét nghiệm nội tiết tố cho phụ nữ thường sẽ tập trung vào các hormone đóng vai trò quan trọng trong tuổi dậy thì, quyết định khả năng sinh sản và các tình trạng sức khỏe bị chi phối bởi nhóm chất nội sinh này.
Xét nghiệm nội tiết tố dành cho phụ nữ có thể sử dụng để khẳng định bạn có đang mang thai. Ngoài ra nó còn giúp theo dõi thời kỳ mãn kinh, phát hiện sự mất cân bằng tiết tố. Bên cạnh đó, các xét nghiệm này còn được dùng để tìm hiểu nguyên nhân của các vấn đề sinh sản.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ gồm những gì?
Xét nghiệm Estrogen
Estrogen là hormon sinh dục quan trọng cho phụ nữ. Chúng được sản xuất tại buồng trứng. Estrogen có 3 dạng phổ biến như sau:
- Estrone (E1).
- Estradiol (E2): đây là dạng phổ biến nhất của estrogen và thường được quan tâm nhiều nhất. Nếu nồng độ estradiol quá cao, người phụ nữ có thể có những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, nhức đầu, rụng tóc và tăng nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra còn tác động lên tâm lý, cảm xúc của người phụ nữ gây khó chịu, cảm xúc thất thường.
- Estriol (E3): thường được kiểm tra ở phụ nữ mang thai. Nồng độ E3 bất thường có thể là dấu hiệu vấn đề về sức khỏe của thai nhi. Nhưng các bác sĩ sẽ cần làm thêm nhiều xét nghiệm khác để chẩn đoán chắc chắn.
Xét nghiệm estrogen thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp như sau:
- Kinh nguyệt không đều.
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh.
- Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng hormone trong điều trị.
- Dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn hơn bình thường.
Xét nghiệm Progesterone
Progesterone là một hormone cần thiết cho việc điều hòa kinh nguyệt và sự phát triển của thai nhi. Trong giai đoạn hoàng thể, nó giúp chuẩn bị cho tử cung tiếp nhận trứng đã thụ tinh. Sự kiện xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc trứng có được thụ tinh hay không:
- Nếu trứng không được thụ tinh: nồng độ progesterone giảm mạnh và một chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ bắt đầu.
- Nếu trứng được thụ tinh: nồng độ progesterone vẫn cao. Điều này giúp tăng lưu thông tuần hoàn máu cung cấp cho niêm mạc tử cung và làm cho các tuyến trong nội mạc tử cung cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng phôi đang phát triển.
Đối với phụ nữ mang thai, progesterone cần duy trì ở mức cao để bảo vệ thai nhi. Còn đối với phụ nữ bình thường, nếu nồng độ progesterone quá cao sẽ gây mệt mỏi, đau ngực, trầm cảm, giảm ham muốn, mụn trứng cá. Sự mất cân bằng giữa progesterone và estrogen cũng sẽ làm đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt, ngăn cản sự rụng trứng, làm giảm tỉ lệ mang thai.
Xét nghiệm progesteron giúp bác sĩ đảm bảo mọi thứ đều ổn nếu bạn đang mang thai, hoặc kiểm tra các vấn đề sinh sản khác của phụ nữ.
Xét nghiệm FSH
Hormone kích thích nang trứng (FSH) được sản xuất bởi tuyến yên. FSH kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng để sẵn sàng cho quá trình thụ tinh.
Tuyến yên sản xuất nhiều FSH hơn bình thường khi nồng độ estrogen và các hormone khác bắt đầu giảm trước thời kỳ mãn kinh, khi buồng trứng mất khả năng sinh sản.
Ở phụ nữ trưởng thành, FSH có thể được sử dụng để chẩn đoán:
- Chảy máu bất thường trong kỳ kinh nguyệt.
- Khô âm đạo.
- Thời kỳ tiền mãn kinh/mãn kinh.
- Bất thường chức năng buồng trứng.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Khối u tuyến yên.
- U nang buồng trứng.
Xét nghiệm Testosterone và DHEA
Mặc dù testosterone còn được biết đến là hormone sinh dục nam, nhưng nó cùng là một trong những thành phần của nội tiết tố nữ. Ở nữ giới, testosterone được sản xuất ở buồng trứng và tuyến thượng thận. Hầu hết sau đó sẽ được chuyển đổi thành estradiol với sự trợ giúp của enzyme nội sinh tên là aromatase.
Dehydroepiandrosterone (DHEA) cũng được phân loại là nội tiết tố nam giới, nhưng nó cũng xuất hiện ở phụ nữ.
Phụ nữ có thể sẽ cần xét nghiệm testosterone/DHEA vì:
- Kinh nguyệt không đều.
- Các vấn đề về buồng trứng: PCOS, ung thư buồng trứng…
- Tăng cân bất thường.
- Mụn.
- Phát triển các đặc điểm của nam giới (hói đầu, giọng nói trầm hơn).
- Giảm ham muốn tình dục.
Xét nghiệm AMH
Xét nghiệm AMH thường được sử dụng để kiểm tra khả năng sản xuất trứng có thể thụ tinh cho thai kỳ của người phụ nữ. Buồng trứng của người phụ nữ có thể tạo ra hàng ngàn quả trứng trong những năm sinh nở. Con số giảm dần khi phụ nữ già đi. Mức AMH giúp cho biết một phụ nữ còn lại bao nhiêu tế bào trứng tiềm năng. Điều này được gọi là dự trữ buồng trứng.
Nếu dự trữ buồng trứng cao, nữ giới có thể có cơ hội mang thai cao hơn. Nếu dự trữ buồng trứng thấp, điều đó có nghĩa là người phụ nữ sẽ gặp khó khăn khi mang thai và không nên trì hoãn quá lâu trước khi cố gắng sinh con.
Xét nghiệm AMH cũng có thể được sử dụng để:
- Dự đoán thời điểm bắt đầu thời kỳ mãn kinh. Nó thường bắt đầu khi một người phụ nữ khoảng 50 tuổi.
- Tìm hiểu nguyên nhân mãn kinh sớm.
- Giúp tìm ra nguyên nhân vô kinh, ít kinh. Nó thường được chẩn đoán ở những cô gái chưa bắt đầu có kinh nguyệt ở tuổi 15 và ở những phụ nữ bị mất kinh nhiều lần.
- Giúp chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nữ, không có khả năng mang thai.
- Kiểm tra trẻ sơ sinh có bộ phận sinh dục không rõ là nam hay nữ.
- Theo dõi những phụ nữ mắc một số loại ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, còn có các xét nghiệm nội tiết tố nữ quan trọng khác như LH, prolactin…Các xét nghiệm này giúp hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về hệ sinh sản của phụ nữ. Để chẩn đoán chính xác, ngoài xét nghiệm nội tiết, bạn còn có thể cần làm thêm siêu âm, chụp chiếu cần thiết.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ để làm gì?
Nữ giới được chỉ định xét nghiệm nội tiết tố nữ vì nhiều lý do khác nhau. Xét nghiệm nội tiết tố nữ có thể dùng để làm những việc sau đây:
- Chấn đoán: xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường. Xét nghiệm nội tiết tố nữ có thể hữu ích trong việc chẩn đoán các tình trạng như chậm phát triển, vô sinh, mãn kinh, PCOS và một số loại khối u.
- Theo dõi: sau khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, việc xét nghiệm liên tục có thể được sử dụng để theo dõi các thay đổi về sức khỏe. Bao gồm cả việc xác định các phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Xét nghiệm nội tiết tố cho phụ nữ có thể được sử dụng để theo dõi những người đang điều trị vô sinh hay ung thư. Xét nghiệm cũng có thể giúp theo dõi nồng độ hormone ở những người phụ nữ chuyển giới đang điều trị bằng hormone.
- Sàng lọc: Thỉnh thoảng, xét nghiệm hormone có thể được sử dụng để sàng lọc nhằm tìm kiếm các vấn đề sức khỏe trước khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Ví dụ, xét nghiệm một số hormone có thể được thực hiện trong thai kỳ để sàng lọc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của thai nhi.
Những ai cần phải làm xét nghiệm?
Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm nội tiết tố nữ nếu bạn có các vấn đề như:
- Kinh nguyệt ra rất ít hoặc rất nhiều hoặc kinh kéo dài hơn bình thường.
- Vô kinh nguyên phát (chưa khi nào có kinh nguyệt) hoặc vô kinh thứ phát (đã từng có nhưng đột nhiên nhiều tháng liền mới có hoặc không thấy có).
- Chảy máu âm đạo bất thường ngoài kỳ kinh.
- Nghi ngờ hội chứng buồng trứng đa nang với các dấu hiệu như: Kinh nguyệt không đều, tâm trạng thất thường, rậm lông, tăng cân,…
- Khó khăn khi thụ thai.
- Phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ vào thời điểm nào?
Hormon (nội tiết tố) sinh dục của phụ nữ không phải lúc nào cũng như nhau. Nồng độ của chúng thay đổi tùy theo ngày của chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, biết được xét nghiệm nội tiết tố nữ nên thực hiện vào ngày nào giúp bạn vừa tiết kiệm được thời gian đi lại, vừa có được kết quả chính xác nhất.
Trên thực tế, xét nghiệm nội tiết tố nữ được thực hiện vào các ngày khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt:2
- Vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của chu kỳ kinh: Thực hiện xét nghiệm chỉ sổ FSH, E2.
- Vào ngày thứ 21 – 22 của vòng kinh: Thực hiện xét nghiệm chỉ số progesterone.
- Xét nghiệm chỉ số prolactin, testosterone và estrogen có thể thực hiện ở bất kỳ ngày nào tùy vào mục đích xét nghiệm.
- Để đánh giá tình trạng buồng trứng người ta làm các xét nghiệm FSH, LH và E2 vào ngày 2 hoặc ngày 3 của chu kỳ kinh. Progesteron vào ngày 22 của chu kỳ. Tuy nhiên với những phụ nữ kinh nguyệt không đều các xét nghiệm chỉ cần làm vào ngày 2 hoặc ngày 3 của kỳ kinh là đủ. Chỉ số LH thường tăng cao vào thời điểm trước rụng trứng.
Quy trình xét nghiệm nội tiết tố nữ
Cơ sở xét nghiệm có thể yêu cầu bạn lấy mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu để thực hiện các xét nghiệm này.
Xét nghiệm máu
Đây là các lấy mẫu được sử dụng phổ biến nhất. Trong quá trình xét nghiệm máu, bác sĩ hoặc chuyên viên xét nghiệm sẽ lấy một ít máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. Phòng thí nghiệm sau đó sẽ kiểm tra mẫu máu đó.
Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ
Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một hộp đựng để thu thập tất cả nước tiểu của bạn trong khoảng thời gian 24 giờ. Bác sĩ sẽ giải thích tất cả các bước lấy mẫu và cách bảo quản mẫu của bạn. Sau đó, họ sẽ kiểm tra mẫu của bạn trong phòng thí nghiệm.
Cách đọc kết quả xét nghiệm nội tiết tố nữ
Kết quả xét nghiệm Estrogen
Kết quả xét nghiệm estrogen phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn cuộc đời của bạn. Xét nghiệm khả năng sinh sản sẽ xem xét 3 giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
- Giai đoạn nang trứng: từ ngày đầu tiên cura kỳ kinh nguyệt đến khi rụng trứng, thường là 14 ngày.
- Giai đoạn tiền rụng trứng: khoảng thời gian 3 ngày xung quanh thời điểm rụng trứng.
- Giai đoạn hoàng thể: kéo dài khi rụng trứng cho đến khi bắt đầu hành kinh. Sau khi rụng rứng, estrogen và progesterone sẽ được giải phóng bỏi nang trứng để chuẩn bị tử cung cho trứng đã thụ tinh làm tổ.
Thời gian kiểu tra Estradiol (E2) | Phạm vi giới hạn (pg/mL) |
Giai đoạn nang trứng | 19.5 – 144.2 |
Giai đoạn tiền rụng trứng | 63.9 – 256.7 |
Giai đoạn hoàng thể | 55.8 – 214.2 |
Tiền mãn kinh | thấp hơn 32.2 |
Nồng độ estrogen thấp có thể là dấu hiệu của:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Suy tuyến yên.
- Giảm mỡ cơ thể.
- Bệnh Anorexia – một chứng rối loạn ăn uống.
- Sử dụng thuốc như Clomid.
Nồng độ estrogen cao có thể xảy ra với các tính trạng như:
- Béo phì.
- Chảy máu kinh nguyệt nhẹ hoặc nặng.
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
- Mệt mỏi.
- Mất ham muốn tình dục.
- Sử dụng một số loại thuốc như: hormone steroid, phenothiazine, tetracyclin, ampicillin.
Kết quả xét nghiệm Progesterone
Tương tự với estrogen, kết quả xét nghiệm progesterone sẽ phụ thuộc vào thời điểm thử nghiệm. Giữ chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ progesteron bắt đầu tăng lên. Từ 6 – 10 ngày sau, nếu trứng không được thụ tinh, nồng độ progesterone sẽ giảm xuống.
Nếu trứng được thụ tinh, nồng độ progesterone sẽ được tăng lên trong giai đoạn sớm nhất của thai kỳ.
Thời gian xét nghiệm Progesterone | Phạm vi giới hạn | |
ng/mL | nmol/L | |
Giai đoạn nang trứng | 1 hoặc thấp hơn | 3.18 hoặc thấp hơn |
Giữa kỳ kinh nguyệt | 5 – 20 | 15.9 – 63.6 |
Tam cá nguyệt thứ nhất | 11.2 – 90 | 36.62 – 286.2 |
Tam cá nguyệt thứ 2 | 25.6 – 89.4 | 91.41 – 284.29 |
Tam cá nguyệt thứ 3 | 48 – trên 300 | 152.64 – trên 954 |
Tiền mãn kinh | 1 hoặc thấp hơn | 3.18 hoặc thấp hơn |
Nếu nồng độ progesterone thấp trong thời kỳ mang thai, đó có thể là dấu hiện cho thấy nguy cơ sảy thai hoặc chuyển dạ sớm.
Nếu nồng độ progesterone cao thường không có vấn đề sức khỏe nào, trừ khi chúng liên tục kéo dài trong một thời gian. Trong trường hợp này, mức độ cao progesterone có thể cho thấy nguy cơ mắc phải ung thư vú.
Kết quả xét nghiệm FSH
Hormone FSH cũng thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Thời gian xét nghiệm FSH | Phạm vi giới hạn (mIU/mL) |
Giai đoạn nang trứng | 3.5 – 12.5 |
Giai đoạn rụng trứng | 4.7 – 21.5 |
Giai đoạn hoàng thể | 1.7 – 7.7 |
Tiền mãn kinh | 24.8 – 134.8 |
Nồng độ FSH bất thường có thể do bệnh của tuyến yên hoặc vùng dưới đối gây ra. Các tuyến này có thể bị ảnh hưởng bởi PCOS, quá trình điều trị ung thư, khuyết tật bẩm sinh hoặc các bệnh rối loạn khác.
Kết quả xét nghiệm Testosterone và DHEA
Testosterone không biến thiên như nội tiết tố nữ nên thời điểm xét nghiệm là không quan trọng.
Giới hạn bình thường của testosterone có thể được biểu hiện bằng 2 đơn vị khác nhau:
- Giới hạn bình thường: 15 – 70 ng/dL.
- Giới hạn bình thường: 0.5 – 2.4 nmol/L.
Nồng độ DHEA phụ thuộc vào độ tuổi của bạn, giá trị bình thường của DHEA theo độ tuổi được biểu diễn theo bảng sau:
Tuổi tác | Phạm vi giới hạn | |
mg/dL | nmol/L | |
18 – 19 | 145 – 395 | 3.92 – 10.66 |
20 – 29 | 65 – 380 | 1.75 – 10.26 |
30 – 39 | 45 – 270 | 1.22 – 7.29 |
40 – 49 | 32 – 240 | 0.86 – 6.48 |
50 – 59 | 26 – 200 | 0.7 – 5.4 |
60 – 69 | 13 – 130 | 0.35 – 3.51 |
69 tuổi trở lên | 17 – 90 | 0.46 – 2.43 |
Hàm lượng testosterone cao có thể do bạn đang lạm dụng steroid. Ngoài ra bạn có thể đang gặp phải một số vấn đề như PCOS, ung thư tuyến thượng thận hoặc buồng trứng và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Ham muốn tình dục suy giảm có thể liên quan đến mức độ thấp testosterone. Trong thời kỳ mãn kinh, testosterone giảm xuống một cách tự nhiên. Điều này gây ra vô số triệu chứng, bao gồm:
- Giảm ham muốn tình dục, khoái cảm tình dục và phản ứng cực khoái.
- Suy giảm năng lượng.
- Trầm cảm.
Nồng độ DHEA cao trong xét nghiệm máu có thể chỉ ra các tình trạng như tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc ung thư tuyến thượng thận.
Kết quả xét nghiệm AMH
Nồng độ AMH tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Ở phụ nữ, nồng độ AMH bắt đầu tăng trong thời niên thiếu và đạt đỉnh vào khoảng 25 tuổi. Sau đó, nồng độ AMH sẽ giảm xuống một cách tự nhiên.
Các mức độ AMH trong cơ thể:
- Trung bình: Từ 1.0 – 3.0 ng/mL.
- Thấp: Dưới 1.0 ng/mL.
- Thấp nghiêm trọng: 0.4 ng/mL.
Nồng độ AMH tự nhiên giảm theo độ tuổi, do đó, dự trữ buồng trứng thấp hơn ở độ tuổi 30, 40 và 50 là điều bình thường:
- 25 tuổi: 3.0 ng/mL.
- 30 tuổi: 2.5 ng/mL.
- 35 tuổi: 1.5 ng/mL.
- 40 tuổi: 1.0 ng/mL.
- 45 tuổi: 0.5 ng/mL.
Mức AMH cao hơn không phải lúc nào cũng tốt. AMH có thể cao ở một số người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Những lưu ý khi xét nghiệm nội tiết tố nữ
Phần lớn xét nghiệm nội tiết tố nữ được thực hiện bằng cách lấy máu. Tuy nhiên, với xét nghiệm nội tiết tố nữ, bạn không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn uống như với các xét nghiệm máu khác. [4]
Trước khi làm xét nghiệm, bạn nên nói cho bác sĩ về các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang dùng. Đặc biệt là thuốc tránh thai hoặc các thuốc hormone vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ bao nhiêu tiền và xét nghiệm ở đâu?
Một vấn đề được quan tâm hàng đầu khi nhắc đến các xét nghiệm này là chi phí thực xét nghiệm nội tiết tố nữ là bao nhiêu? Nêu dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn cơ sở thực hiện nội tiết tố nữ? Thấu hiểu được mối quan tâm này của bạn đọc, 7-Dayslim gửi đến bạn bài viết “Xét nghiệm nội tiết tố nữ bao nhiêu tiền và xét nghiệm ở đâu?”. Bạn đọc có thể tham khảo để chọn cho mình những dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất với bản thân.
Trên đây là toàn bộ những nội dung liên quan đến xét nghiệm nội tiết tố nữ. Mong rằng bạn đọc đã có một cái nhìn tổng quát và nắm được những thông tin cần thiết về các xét nghiệm này! Hy vọng bài viết của 7-Dayslim sẽ có ích cho bạn!