Xét nghiệm phân là gì? Mục đích của xét nghiệm phân là để làm gì? Vì sao bạn cần phải xét nghiệm phân? Bạn có thể thực hiện xét nghiệm phân ở đâu? Bài viết của 7-dayslim sẽ giải đáp các vấn đề trên. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Xét nghiệm phân là gì? Mục đích của xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân bao gồm xét nghiệm kính hiển vi, xét nghiệm hóa học, miễn dịch và vi sinh. Mẫu phân có thể được kiểm tra bạch cầu, máu ẩn trong phân, chất béo, đường (chất khử), pH, men tụy, alpha-1 antitrypsin, calprotectin, và các nguyên nhân lây nhiễm (vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng). Phân cũng cần được kiểm tra vĩ mô về màu sắc, độ đặc, số lượng, hình dạng, mùi và chất nhầy.
Một số xét nghiệm phân có thể được sử dụng trong chăm sóc ban đầu để chẩn đoán phân biệt các rối loạn như nhiễm trùng đường tiêu hóa, hội chứng kém hấp thu và bệnh viêm ruột.
Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (FIT) – là một xét nghiệm tầm soát ung thư ruột kết dễ dàng.2
Khi nào cần tiến hành xét nghiệm phân?
Nếu bạn đang gặp vấn đề về dạ dày, bác sĩ có thể yêu cầu cấy phân hoặc yêu cầu lấy mẫu phân. Xét nghiệm này có thể tìm vi khuẩn, vi rút hoặc vi trùng khác có thể gây bệnh.
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm này nếu đối tượng xét nghiệm có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày.
- Phân có máu hoặc chất nhầy.
- Đau dạ dày hoặc chuột rút.
- Buồn nôn.
- Sốt.
Quy trình xét nghiệm phân
Đối với người lớn
Quy trình xét nghiệm phân ở người lớn lần lượt như sau:
- Đặt hộp đựng phân mà bác sĩ đưa cho bạn trước đó hoặc hộp sạch rỗng bạn tự chuẩn bị trong nhà vệ sinh để lấy mẫu phân.
- Nếu phân không lỏng hoặc không chảy nước, bạn cũng có thể trải giấy báo hoặc bọc nhựa lên vành bồn cầu (Đảm bảo rằng phân không chạm vào bên trong bồn cầu. Vì nếu phân chạm vào bồn cầu thì phân sẽ bị nhiễm các vi khuẩn khác ở trong bồn cầu).
- Đặt mẫu phân vào hộp đựng mẫu. (Không nên dùng tay, bác sĩ sẽ cung cấp một chiếc thìa nhỏ. Sau khi sử dụng bạn có thể vứt bỏ nó. Cần lưu ý không nên để quá đầy hộp đựng mẫu. Đối với xét nghiệm phân, bạn chỉ cần cung cấp một mẫu có kích thước bằng quả óc chó. Cần đảm bảo không bỏ sót mẫu phân có máu, chất nhờn hoặc nước. Tránh để nước tiểu lẫn vào phân).
- Cho hộp vào túi nhựa kín và rửa tay sạch bằng xà phòng và nước.
- Xả hết phân còn thừa xuống bồn cầu của bạn.
- Gửi lại mẫu cho bác sĩ của bạn càng sớm càng tốt.
Đối với trẻ em
1. Cách thu thập mẫu phân trẻ em
Trẻ sơ sinh: Lấy phân ra khỏi tã. Nếu con bạn đi ngoài ra phân lỏng hoặc chảy nước, hãy đặt bông của tã vào cạnh da. Để tã theo cách này vừa đủ lâu để gom đủ phân.
Trẻ mới biết đi: Nếu trẻ đã biết đi vệ sinh, bạn có thể sử dụng bô, quần tập hoặc tã sạch và khô để lấy phân.
Trẻ lớn hơn:
- Dùng lót bệ bồn cầu sạch và khô để lấy phân. Đặt lót bệ bồn cầu trên vành sau của bồn cầu, ngay dưới bệ ngồi.
- Nếu sử dụng màng bọc thực phẩm bằng nhựa, hãy quấn lỏng một phần dài của màng bọc nhựa lên vành ở cả hai bên của bồn cầu.
2. Quy trình
- Kiểm tra nhãn để đảm bảo có tên đầy đủ và ngày sinh, số ID bệnh nhân hoặc số hồ sơ y tế của con bạn. Sau đó, viết ngày và giờ thu thập.
- Sử dụng dụng cụ đè lưỡi bằng gỗ hoặc thìa nhựa để đặt lượng phân phù hợp vào hộp đựng mẫu.
- Đậy chặt nắp hộp đựng, sau đó đặt chúng vào một túi có nắp đậy.
- Vứt dụng cụ hãm lưỡi hoặc thìa nhựa đi.
- Mang mẫu phân đến các trung tâm xét nghiệm càng sớm càng tốt. Nếu không thể mang nó ngay lập tức, một số mẫu vật có thể cần được bảo quản lạnh hoặc đông lạnh. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề bảo quản mẫu.
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm phân
Thời gian có kết quả: Hầu hết thời gian bạn sẽ nhận lại kết quả là trong vòng 1 hoặc 2 ngày.
Bảng phân tích phân:
Tình trạng | Đặc điểm |
Bình thường | Phân có màu nâu, mềm và đặc quánh. |
Phân không có máu, chất nhầy, mủ, sợi thịt không tiêu, vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng có hại. | |
Phân có hình dạng giống như một cái ống. | |
Khác thường | Phân có màu đen, đỏ, trắng, vàng hoặc xanh lá cây. |
Phân lỏng hoặc rất cứng. | |
Có quá nhiều phân. | |
Phân có máu, chất nhầy, mủ, sợi thịt không tiêu, vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng có hại. | |
Phân chứa hàm lượng enzym thấp , chẳng hạn như trypsin hoặc elastase. |
Giá trị bất thường:
- Mức độ cao của chất béo trong phân có thể do các bệnh như viêm tụy, sprue (bệnh celiac), xơ nang hoặc các rối loạn khác ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất béo.
- Sự hiện diện của các sợi thịt không tiêu trong phân có thể do viêm tụy.
- Độ pH thấp có thể là do hấp thụ carbohydrate hoặc chất béo kém. Phân có độ pH cao có thể có nghĩa là bị viêm ruột (viêm đại tràng), ung thư hoặc sử dụng kháng sinh.
- Máu trong phân có thể do chảy máu trong đường tiêu hóa.
- Các tế bào bạch cầu trong phân có thể do viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu bị tiêu chảy, xét nghiệm có thể được thực hiện để tìm vi rút rota trong phân.
- Mức độ cao của các yếu tố khử trong phân có thể có nghĩa là vấn đề tiêu hóa một số loại đường.
- Mức độ thấp của các yếu tố, có thể là giảm do bệnh sprue (bệnh celiac), xơ nang hoặc suy dinh dưỡng. Thuốc như colchicine (trị bệnh gút) hoặc thuốc tránh thai cũng có thể gây ra mức độ thấp.
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm phân: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và aspirin.
Vitamin C với lượng trên 250 mg một ngày cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm phân. Điều này bao gồm vitamin C từ thực phẩm bổ sung, nước ép trái cây hoặc trái cây.
Thực phẩm làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm phân: Thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn. Dấu vết máu từ các loại thịt này có thể xuất hiện trong phân của bạn.
Những điều cần lưu ý khi xét nghiệm phân
Khi xét nghiệm phân, cần lưu ý:
- Trong 7 ngày trước khi kiểm tra, bạn có thể cần tránh: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và aspirin. Tốt nhất, bạn nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng. Từ đó, bác sĩ sẽ cho những chỉ định phù hợp.
- Bên cạnh đó, không dùng vitamin C với lượng trên 250 mg một ngày.
- Trong 3 ngày trước khi kiểm tra, bạn có thể cần tránh các loại thực phẩm như thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn.
Đối với xét nghiệm phân ở trẻ em, cần lưu ý:
- Lấy bệnh phẩm ngay cả khi bé đi tiêu phân lỏng, chảy nước hoặc tiêu chảy.
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với phân của trẻ. Phân có thể chứa vi trùng làm lây lan bệnh nhiễm trùng. Có thể sử dụng găng tay dùng một lần.
- Để kết quả xét nghiệm được chính xác: Không được bôi kem hoặc thuốc mỡ vào mông của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị hăm tã, bạn có thể sử dụng bột ngô, dầu khoáng (Vaseline) hoặc Resinol. Những sản phẩm này sẽ không ảnh hưởng đến xét nghiệm phân cho trẻ.
- Phân không được trộn lẫn với nước tiểu.
- Không thu thập phân từ bồn cầu.
- Nếu bạn đang thu thập mẫu phân cho nhiều bé: Rửa tay trước khi lấy phân từ mỗi bé. Đảm bảo rằng nhãn trên mỗi hộp đựng được điền đầy đủ. Đặt tất cả các mẫu vật của mỗi bé vào một túi có nắp đậy riêng biệt.
Xét nghiệm phân ở đâu?
Xét nghiệm phân tại nhà là dịch vụ như thế nào?
Chúng ta có thể lấy mẫu phân tại nhà, tại phòng khám của bác sĩ, tại phòng khám y tế hoặc tại bệnh viện. Nếu bạn thu thập mẫu phân tại nhà, bạn sẽ được phát bộ dụng cụ lấy phân để sử dụng. Mỗi bộ dụng cụ sẽ có chứa que bôi và hai hộp đựng vô trùng.
Nguyên tắc cần thực hiện khi xét nghiệm phân tại nhà:
- Đi tiểu trước khi lấy phân để không bị dính nước tiểu trong mẫu phân.
- Mang găng tay vào trước khi xử lý phân của bạn. Phân có thể chứa vi trùng làm lây lan bệnh nhiễm trùng.
- Rửa tay sau khi tháo găng tay.
- Bạn phải lấy mẫu phân không lẫn nước tiểu vào.
- Nếu bị tiêu chảy, một túi nhựa lớn dán vào bồn cầu có thể giúp quá trình thu gom dễ dàng hơn; túi sau đó được đặt trong một hộp nhựa.
- Nếu bị táo bón, bạn có thể dùng thuốc xổ. Không lấy mẫu từ bồn cầu. Không trộn lẫn giấy vệ sinh, nước hoặc xà phòng với mẫu.
- Chỉ lấy mẫu mỗi ngày một lần trừ khi bác sĩ đưa ra hướng dẫn khác.
- Mang mẫu phân đến phòng khám bác sĩ hoặc phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt.
Quy trình lấy mẫu xét nghiệm tại nhà lần lượt như sau:
- Đi tiểu trước khi lấy phân.
- Mang găng tay vào trước khi xử lý phân của bạn.
- Chuyển phân (nhưng không có nước tiểu) vào một hộp đựng khô mà nhân viên y tế đã đưa cho bạn trước đó.
- Đậy nắp hộp chứa và dán nhãn tên của bạn, tên bác sĩ và ngày lấy phân.
- Rửa tay sau khi tháo găng tay.
- Mang hộp kín đến phòng khám bác sĩ hoặc phòng xét nghiệm.
Lưu ý:
- Bạn có thể cần thu thập nhiều hơn một mẫu trong vòng 1 đến 3 ngày.
- Thực hiện theo cùng một quy trình cho mỗi ngày.
- Bạn có thể cần gửi mẫu của mình đến phòng xét nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn không thể đưa mẫu đến phòng thí nghiệm đúng như lịch bác sĩ đã hẹn.
Một số địa chỉ xét nghiệm phân
Để xem xét một đơn vị xét nghiệm dị ứng có uy tín không, có thể dựa vào các tiêu chí sau:
- Cơ sở có đầy đủ hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại từ các hãng thiết bị uy tín.
- Đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, nhiều năm kinh nghiệm.
- Đạt các chứng chỉ về tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức có thẩm quyền chứng nhận như Viện Tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Y tế) hoặc các tổ chức nước ngoài.
- Nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dùng về chất lượng dịch vụ xét nghiệm.
1. Một số cơ sở xét nghiệm phân ở Miền Bắc (Hà Nội)
- Bệnh viện Bạch Mai: Nhà A2, A4 tầng 2 khu A – số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: Số 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc xá, Ba Đình, Hà Nội.
- Phòng khám Đa khoa MEDLATEC: Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.
2. Một số cơ sở xét nghiệm phân ở Miền Trung
- Phòng khám Medic Sài Gòn tại Đà Nẵng: 97 Hải Phòng, Hải Châu, Đà Nẵng.
- Bệnh viện Vùng Tây Nguyên: 184 Trần Quý Cáp, Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
- Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Hóa: Số 12-14 Phạm Ngũ Lão, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
3. Một số cơ sở xét nghiệm phân ở miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM: 764, đường Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Nhi đồng 1: 341 Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10, TP.HCM.
- Bệnh viện Nhi đồng 2: 14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
4. Những cơ sở có dịch vụ xét nghiệm phân tại nhà
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC:
- Trụ sở 1: Số 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
- Trụ sở 2: Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.
- Trụ sở 3: Số 05 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
Phòng khám Đa khoa Meditec: 52 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngoài ra, khi gia đình bạn có bé hoặc trẻ sơ sinh đang có bất thường về tiêu hóa, bạn có thể đưa con đi đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh hoặc các cơ sở xét nghiệm phân cho bé, cho trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như, bạn có thể xét nghiệm phân cho bé tại Bệnh Viện Đa Khoa Medlatec các cơ sở trên cả nước.
Xét nghiệm phân giá bao nhiêu?
Xét nghiệm phân giá bao nhiêu? là câu hỏi thường gặp khi đề cập đến xét nghiệm này. Chi phí xét nghiệm phân có thể chênh lệch tùy thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện. 7-Dayslim đã thống kê chi phí xét nghiệm phân của một số cơ sở y tế. Bạn đọc có thể tham khảo nhé!
Bảng giá xét nghiệm phân của Bệnh Viện Đa Khoa Medlatec:
Tên dịch vụ | Giá dịch vụ (VNĐ) | Giá BHYT (VNĐ) |
Cấy phân (3 tác nhân) KSK | 299.000 | 238.000 |
Cấy phân (4 tác nhân) | 429.000 | Không có |
Cấy phân tìm nấm | 199.000 | Không có |
Bảng giá xét nghiệm phân của một số cơ sở khác:
Tên cơ sở | Tên dịch vụ | Giá tham khảo (VNĐ) |
Bệnh viện Bạch Mai | Hồng cầu trong phân test nhanh | 65.600 |
Hồng cầu, bạch cầu trong phân soi tươi | 38.200 | |
Phòng khám Medic Sài Gòn tại Đà Nẵng | Cấy phân + KSĐ (Stool Culture) | 400.000 |
Soi tươi phân (Stool Exam) | 60.000 | |
Bệnh viện Vùng Tây Nguyên | Xét nghiệm cặn dư phân | 51.700 |
Hồng cầu trong phân test nhanh | 63.200 | |
Hồng cầu, bạch cầu trong phân soi trực tiếp | 36.800 | |
Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới | Hồng cầu, bạch cầu trong phân soi tươi | 38.200 (Giá không BHYT) |
Soi phân tìm BK | 68.000 (Giá không BHYT) | |
Test nhanh tìm hồng cầu ẩn trong phân | 65.600 (Giá không BHYT) | |
Bệnh viện Nhi đồng 1 | Hồng cầu trong phân test nhanh | 65.600 |
Hồng cầu, bạch cầu trong phân soi tươi | 38.200 | |
Bệnh viện Nhi đồng 2 | Hồng cầu, bạch cầu trong phân soi tươi | 38.200 |
Hồng cầu trong phân test nhanh | 65.600 |
Cần lưu ý, các bảng chi phí trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Giá xét nghiệm tùy thuộc vào từng cơ sở xét nghiệm, thời điểm xét nghiệm và các dịch vụ kèm theo. Bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến cơ sở xét nghiệm mình lựa chọn để biết thêm thông tin về các dịch vụ xét nghiệm phân nhé!
Qua bài viết trên đây, Bác sĩ Phan Văn Giáo hy vọng độc giả đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về xét nghiệm phân. Khi có vấn đề về dạ dày, bạn đọc và gia đình nên thực hiện xét nghiệm này để có những bước điều trị kịp thời và phù hợp. Và khi thực hiện xét nghiệm, hãy lựa chọn những đơn vị y tế uy tín để đảm bảo độ chính xác của kết quả và sự an toàn trong quá trình xét nghiệm nhé!