Máu là một thành phần hết sức quan trọng của cơ thể, sự đông máu giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi sự mất máu quá nhiều. Tuy nhiên, các bệnh gây rối loạn quá trình đông máu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nên cần phải được xét nghiệm chẩn đoán kịp thời. Xét nghiệm PT có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thêm thông tin về các rối loạn này. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về xét nghiệm PT qua bài viết sau của 7-dayslim.
Quá trình đông máu và tầm quan trọng
Quá trình đông máu là sự tham gia của tác nhân như tiểu cầu, các yếu tố đông máu và protein, thông qua quá trình co mạch, kết dính và hoạt hoá các yếu tố này để tạo thành cục máu đông như một nút chặn, giúp ngăn dòng máu tiếp tục rò rỉ khỏi cơ thể.
Quá trình đông máu có ý nghĩa quan trọng trong sự bảo vệ cơ thể khỏi việc bị mất máu quá nhiều sau chấn thương, hay các vết thương hở.
Bất thường quá trình đông máu là những rối loạn khi cơ thể có vấn đề trong việc kiểm soát cục máu đông, bao gồm:
- Không hình thành đủ cục máu đông: điều này sẽ dẫn đến việc dễ bầm tím chảy máu bất thường thậm chí không cầm được máu trong các chấn thương.
- Hình thành quá nhiều cục máu đông: Đây là một trong những nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch, nặng hơn là tình trạng tử vong do nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Rối loạn đông máu có thể đe dọa đến tính mạng, thực hiện xét nghiệm PT có vai trò hết sức quan trọng giúp chẩn đoán kịp thời tình trạng bệnh liên quan đến quá trình đông máu.
Xét nghiệm PT (Prothrombin time) là gì?
Prothrombin là một loại protein do gan tạo ra. Nó là một trong những chất được gọi là yếu tố đông máu có vai trò quan trọng giúp hình thành cục máu đông. Vì thế, tốc độ đông máu phụ thuộc vào số lượng và sự hoạt động hiệu quả của các yếu tố đông máu.
Xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) là việc đo thời gian hình thành cục máu đông trong mẫu máu. Ở cơ thể người bình thường khoảng thời gian trung bình để máu đông mất khoảng 10-13 giây.
Xét nghiệm PT giúp chẩn đoán nhanh chóng các nguyên nhân gây chảy máu hoặc rối loạn đông máu.
Xét nghiệm PT được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm PT nên được thực hiện khi xuất hiện các triệu chứng của rối loạn chảy máu bao gồm:
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Thấy máu trong phân hoặc nước tiểu của bạn.
- Nướu dễ chảy máu.
- Kinh nguyệt nhiều ở phụ nữ.
- Chảy máu cam.
- Sưng hoặc đau ở các khớp.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm này để kiểm tra:
- Các vấn đề về tủy xương.
- Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.
- Các vấn đề về hệ thống miễn dịch.
- Thiếu vitamin K, một phần của nhiều yếu tố đông máu.
- Các vấn đề về gan.
- Đánh giá khả năng đông máu trước khi phẫu thuật.
Quy trình xét nghiệm PT
Đây là xét nghiệm lấy máu cơ bản và chỉ mất vài phút. Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ lấy máu tĩnh mạch, theo quy trình:
- Làm sạch da nơi kim đi vào bằng thuốc sát trùng để giảm thiểu sự nhiễm trùng.
- Quấn dây cao su quanh cánh tay – nhằm tạo ra áp lực giúp lấy máu dễ dàng hơn.
- Chèn một cây kim mỏng vào tĩnh mạch, thường ở bên trong cánh tay, khuỷu tay hoặc mu bàn tay của bạn.
- Rút máu.
- Tháo dây đeo cao su và quấn băng nơi đã lấy máu.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy mẫu từ đầu ngón tay bằng que thử cho kết quả nhanh chóng hơn.
Máu của bạn sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, xét nghiệm PT có kết quả trong vòng vài giờ. Nếu máu của bạn được gửi đến phòng thí nghiệm bên ngoài, có thể mất vài ngày để nhận được kết quả. Ở một vài trung tâm kiểm nghiệm, khi lấy mẫu máu bằng que thử, kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong vòng vài phút.
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm PT
Xét nghiệm cho bạn biết máu của bạn mất bao nhiêu giây để hình thành cục máu đông. Một kết quả PT điển hình là 10 đến 14 giây. Cao hơn mức này có nghĩa là máu của bạn mất nhiều thời gian hơn bình thường để đông lại, và có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, bao gồm:
- Rối loạn chảy máu hoặc đông máu.
- Thiếu vitamin K.
- Thiếu các yếu tố đông máu.
- Bệnh gan.
Nếu bạn có số lượng thấp hơn, máu của bạn sẽ đông nhanh hơn bình thường. Điều này có thể là do uống thuốc bổ sung hoặc ăn thực phẩm giàu vitamin K.
Các yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm
Một số loại thực phẩm: chẳng hạn như gan, bông cải xanh, đậu cô ve, trà xanh, cải xoăn, củ cải xanh và thực phẩm làm từ đậu nành chứa nhiều vitamin K – có thể làm tăng thời gian đông máu.
Nhiều loại thuốc như aspirin, steroid có thể gây tăng thời gian đông máu. Bên cạnh đó, thuốc chứa estrogen, chẳng hạn như thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone cũng có thể làm tăng thời gian đông máu.
Lưu ý khi làm xét nghiệm thời gian Prothrombin
Để có được kết quả xét nghiệm PT chính xác, bạn nên cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin, thảo mộc hoặc chất bổ sung nào. Ngoài ra, nếu đang sử dụng warfarin, bạn nên thực hiện kiểm tra PT trước khi sử dụng thuốc.
Mối liên quan giữa xét nghiệm PT và INR
INR (tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế) là một loại tính toán dựa trên kết quả kiểm tra PT. Xét nghiệm INR ưu tiên lựa chọn cho những bệnh nhân dùng thuốc kháng đông máu. Bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu đường uống được yêu cầu theo dõi INR để điều chỉnh liều dùng, vì chúng khác nhau giữa các bệnh nhân.
Giá trị INR người bình thường nhỏ hơn 1,1. Đối với bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông mức độ bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 đến 3,0. Xét nghiệm PT và INR thường hay được tiến hành cùng với nhau.
Combi PT, PTH khác gì so với xét nghiệm PT?
Vì tên gọi có những ký tự tương đồng nên nhiều người thường nhầm lẫn xét nghiệm PT, xét nghiệm combi PT và xét nghiệm PTH với nhau. Tuy nhiên, thực tế, cả 3 xét nghiệm này hoàn toàn khác nhau.
Xét nghiệm combi PT
Xét nghiệm combi PT là một xét nghiệm HIV thế hệ thứ tư. Nó còn được gọi là xét nghiệm hấp phụ miễn dịch liên kết với enzyme (ELISA). Xét nghiệm này hoàn thiện hơn các xét nghiệm cũ và có thể xác định được HIV cấp tính.
Nếu kết quả xét nghiêm là dương tính, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu kiểm tra lần hai để chắc chắn. Kết quả lần hai dương tính có nghĩa là đã mắc HIV.
Xét nghiệm PTH
PTH là hormone được tạo ra bởi bốn tuyến cận giáp nhỏ ở cổ. Hormone này có nhiệm vụ kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Khi mức canxi quá thấp, các tuyến sẽ giải phóng PTH để đưa mức canxi trở lại mức bình thường.
Xét nghiệm PTH là xét nghiệm máu đo nồng độ hormone PTH. Từ đó, tìm ra nguyên nhân làm mức canxi bất thường. Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm PTH đối với các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ canxi đang rất cao hoặc rất thấp.
Xét nghiệm PT ở đâu?
Khi có các triệu chứng như dễ bầm tím hay chảy máu khó cầm được, bạn nên sắp xếp thời gian để có thể thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế kịp thời và nhanh chóng.
Để xét nghiệm có kết quả chất lượng và chính xác, bạn đọc cần đánh giá lựa chọn cơ sở xét nghiệm uy tín, hệ thống thiết bị chất lượng, đội ngũ y tế chuyên nghiệp.
Dưới đây là gợi ý địa chỉ của một số cơ sở xét nghiệm bạn có thể tham khảo
Cơ sở xét nghiệm tại miền Bắc
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Số 01, đường Tôn Thất Tùng, Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai: số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC:
- Số 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
- Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.
- Số 03 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
Cơ sở xét nghiệm tại miền Trung
Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên: 184 Trần Quý Cáp, Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Bệnh viện Đà Nẵng: 124 Hải Phòng, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng.
Cơ sở xét nghiệm tại miền Nam
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM.
Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM: 118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM.
Bệnh viện Bình Dân: Số 371 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP.HCM.
Xét nghiệm PT giá bao nhiêu?
Dưới đây là bảng tham khảo giá xét nghiệm của một vài cơ sở y tế, lưu ý đây chỉ là thông tin tổng hợp, mang tính tham khảo, chi phí cụ thể còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mức độ bệnh và phương pháp chẩn đoán.
Tên cơ sở | Giá tham khảo xét nghiệm PT |
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội | Giá dịch vụ: 64.000 VNĐ
Giá theo BHYT: 63.500 VNĐ Xét nghiệm máy tự động (tại nhà): 77.000 VNĐ |
Bệnh viện Bạch Mai | Giá dịch vụ: 63.500 VNĐ
Xác định nhanh INR/PT bằng máy cầm tay: 50.000 VNĐ |
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC | Giá dịch vụ: 69.000 VNĐ |
Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên | Giá dịch vụ: 61.600 VNĐ |
Bệnh viện Đà Nẵng | Giá dịch vụ: 62.900 VNĐ |
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM | Giá dịch vụ: 71.000 VNĐ
Giá theo BHYT: 31.500 VNĐ |
Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM | Giá dịch vụ: 195.000 VNĐ
Giá theo BHYT: 63.500 VNĐ |
Bệnh viện Bình Dân | Giá theo BHYT: 63.500 VNĐ |
Qua bài viết, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về xét nghiệm PT cũng như có thêm những thông tin hữu ích. Nếu có các triệu chứng rõ ràng của rối loạn đông máu, bạn đọc hãy liên hệ ngay đến cơ sở y tế uy tín để có thể được nhanh chóng thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân kịp thời.