Xét nghiệm T4 kết hợp với các hormone khác như T3, TSH dùng để xác định các vấn đề trên tuyến giáp của bạn. Lượng T4 bất thường cho thấy bạn bị suy giáp, cường giáp hoặc những vấn đề bệnh lý khác. Bài viết dưới đây của 7-dayslim sẽ cung cấp cho bạn các thông tin quan trọng về xét nghiệm T4.
T4 là gì?
Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ ở phía trước cổ, được bao bọc xung quanh bởi khí quản. Nó có hình dạng giống 2 cánh bướm, nhỏ hơn ở giữa với hai cánh kéo dài quanh cổ họng. Tuyến giáp của bạn tạo ra các hormone giúp kiểm soát nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Khi tuyến giáp không hoạt động bình thường, nó làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của người bệnh.
Tuyến giáp sản xuất ra hormone thyroxine, hay còn gọi là T4. Hormone này có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và trao đổi chất của cơ thể. Một số T4 tồn tại dưới dạng tự do, nó không liên kết với protein trong máu. Đây là loại có sẵn để các mô trong cơ thể sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết T4 trong máu là liên kết với protein.2
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm T4
Vì T4 tồn tại trong cơ thể dưới 2 dạng nên có 2 loại xét nghiệm T4, bao gồm: xét nghiệm T4 tổng thể và tự do. Vì T4 tự do là những “tài nguyên” có sẵn trong cơ thể để bạn sử dụng nên xét nghiệm loại này được ưu tiên hơn cả.2
Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm T4 nếu lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) cho kết quả bất thường. Kết quả xét nghiệm hormon T4 cho biết các vấn đề nào đang ảnh hưởng đến tuyến giáp của bạn. Một số rối loạn ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp như: cường giáp (sự hoạt động quá mức), suy giáp (hoạt động kém), suy tuyến yên hoặc tuyến yên kém hoạt động.2
Bên cạnh đó, bạn cần làm xét nghiệm T4 khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng sau:2
- Các vấn đề về mắt như: khô, kích ứng, bọng mắt, sưng phồng.
- Khô da hoặc bong da.
- Rụng tóc.
- Run tay.
- Thay đổi nhịp tim.
- Thay đổi huyết áp.
- Thay đổi trọng lượng.
- Khó ngủ hoặc mất ngủ.
- Cảm thấy lo lắng.
- Mệt mỏi và suy nhược.
- Không chịu được lạnh.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Kinh nguyệt không đều.
Khi bạn không có các triệu chứng trên, bạn cũng cần làm xét nghiệm T4 nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Mắc các bệnh như: thiếu máu ác tính, tiểu đường type 1, suy tuyến thượng thận nguyên phát, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren và hội chứng Turner.
- Dùng thuốc chứa nhiều iod (amiodarone).
- Tuổi trên 60, đặc biệt là phụ nữ.
- Đã từng điều trị bệnh về tuyến giáp hoặc ung thư (cắt bỏ tuyến giáp hay xạ trị).
Trong một số trường hợp, bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm khác sau khi kiểm tra nồng độ T4. Những xét nghiệm khác như: nồng độ T3, TSH,… Ngoài ra, việc thực hiện một hay nhiều xét nghiệm hormon tuyến giáp còn giúp đánh giá sự cải thiện của chức năng giáp.
Quy trình xét nghiệm T4
Xét nghiệm T4 có quy trình tương tự như các xét nghiệm máu khác. Nhân viên y tế sẽ gọi bạn vào phòng để tiến hành lấy mẫu máu. Máu sẽ được lấy từ tĩnh mạch cánh tay của bạn bằng một kim tiêm chuyên dụng. Lượng máu nhỏ này sẽ được thu thập vào ống nghiệm để đưa đến phòng thí nghiệm. Quy trình này thường mất ít hơn 5 phút.
Kết quả xét nghiệm T4
Kết quả xét nghiệm T4 tổng thể điển hình ở trưởng thành nằm trong khoảng từ 5,0 microgam trên decilit đến 12,0 microgam trên decilit. Đối với T4 tự do, chỉ số này bình thường khi nằm trong ngưỡng 0,8 nanogam trên mỗi decilit đến 1,8 nanogam trên mỗi decilit. Nồng độ chất này ở trẻ em sẽ biến đổi khác nhau tùy vào độ tuổi. Ngoài ra, lượng T4 cũng có sự chênh lệch tùy vào phòng thí nghiệm.2
Nếu chỉ có bất thường trong xét nghiệm T4 thì chưa đủ căn cứ để bác sĩ đưa ra kết luận về bệnh trên tuyến giáp. Bạn sẽ được kiểm tra thêm mức xét nghiệm T3 và TSH để có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn. Mặc dù vậy, nếu lượng T4 cao hay thấp bất thường, bạn cũng có thể rơi vào các trường hợp sau:
Kết quả xét nghiệm cao2
Nồng độ T4 tăng cao cho thấy bạn đang mắc bệnh cường giáp. Điều này cũng cảnh báo bạn có thể bị viêm tuyến giáp hoặc bướu cổ đa nhân độc hại. Ngoài ra, các lý do khác khiến T4 tăng cao như:
- Lượng protein trong máu cao.
- Dùng quá nhiều iod.
- Sử dụng nhiều thuốc thay thế tuyến giáp.
- Mắc bệnh nguyên bào nuôi – tình trạng hiếm gặp liên quan đến các khối u thai nghén.
- Khối u tế bào mầm.
Việc sử dụng quá nhiều Iod có thể khiến mức T4 tăng cao. Do đó, nếu bạn có chụp X-quang gần ngày xét nghiệm thì điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Kết quả xét nghiệm thấp2
Mức độ T4 thấp bất thường có thể do các nguyên nhân sau:
- Nhịn ăn, suy dinh dưỡng hoặc thiếu iod.
- Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến protein.
- Suy giáp.
- Cơ thể mắc bệnh.
- Bị các vấn đề về tuyến yên.
Những lưu ý về xét nghiệm T4
Bạn cần lưu ý những điều sau khi thực hiện xét nghiệm T4:
- Nói cho bác sĩ các thuốc mà bạn đang đang sử dụng. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc giảm liều hoặc ngừng sử dụng để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Những thuốc như: thuốc điều trị co giật, bệnh tim, thuốc tránh thai, biotin,…
- Đôi khi bạn có thể thấy đau hoặc khó chịu khi lấy máu xét nghiệm hoặc chảy máu nhẹ sau khi rút kim ra. Vị trí lấy máu cũng xuất hiện vết bầm tím nhỏ.2
- Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn có thể gặp phải các biến chứng sau khi làm xét nghiệm T4 như: tĩnh mạch bị viêm, nhiễm trùng, chảy quá nhiều máu.2
Xét nghiệm T4 ở đâu
Xét nghiệm T4 được thực hiện ở các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước. Bạn có thể tham khảo các bệnh viện lớn sau đây:
- Bệnh viện Đại học Hà Nội: ở số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở địa chỉ 1A Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Bệnh viện Đại học Y dược Hồ Chí Minh: 215 Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP.HCM.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về xét nghiệm T4. Bạn hãy chủ động tầm soát sức khỏe ít nhất 6 tháng 1 lần để luôn làm chủ vấn đề về sức khỏe. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và lạc quan trọng cuộc sống.