Khi được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc ung thư vòm họng, không ít bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định thực hiện những cận lâm sàng khác nhau nhưng bạn lại chưa hiểu mục đích, kết quả của những xét nghiệm này đang nói lên điều gì về tình trạng bệnh của mình. Hãy cùng 7-dayslim tìm hiểu thêm về Xét nghiệm ung thư vòm họng qua bài viết sau.
Mục đích của xét nghiệm trong ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng thuộc loại ung thư biểu mô tế bào gai, tăng lên từ lớp biểu mô vùng vòm họng. Ung thư vòm họng thường được chẩn đoán khi một người đến gặp bác sĩ vì các triệu chứng như sờ được một khối nổi lên vùng cổ, ù tai hoặc nghẹt mũi mà không bị cảm lạnh.
Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám. Bệnh nhân có thể sẽ được gửi đến cho các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư vùng đầu cổ. Vòm họng là vùng khó thăm khám.
Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa khác không được huấn luyện hoặc không có trang thiết bị để kiểm tra vùng này. Khi đến khám tại đúng chuyên khoa, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn những xét nghiệm khác nhau giúp chẩn đoán xác định bệnh, đánh giá độ lan rộng của bệnh cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe, hỗ trợ thông tin cho quá trình điều trị và giúp tiên lượng bệnh.
Các xét nghiệm trong ung thư vòm họng
Soi vòm họng
Vùng vòm họng là vùng nằm sâu trong đầu và không dễ dàng để quan sát, do vậy những phương tiện chuyên biệt là cần thiết để khảo sát vùng này. Có 2 cách để có thể quan sát u, dấu hiệu chảy máu hay những dấu hiệu bất thường tại vùng vòm họng. Cả 2 cách đều được các bác sĩ áp dụng phổ biến ở phòng khám:
- Soi vòm họng trực tiếp: Bác sĩ sẽ sử dụng một gương nhỏ và đèn pin để nhìn rõ vùng vòm họng của bạn.
- Soi vòm họng gián tiếp: Một ống soi có gắn đèn gọi là ống soi tai mũi họng giúp bác sĩ thấy rõ niêm mạc vùng tai mũi họng. Ống soi mỏng, linh hoạt, có đầu gắn camera sáng được đặt qua mũi giúp kiểm tra kỹ càng, cẩn thận vùng vòm họng của bạn.
Nếu khối u nằm dưới niêm mạc (dưới lớp bề mặt) của vòm họng, bác sĩ có thể không quan sát thấy. Do đó, cần đến sự hỗ trợ của những phương tiện hình ảnh như CT scan hay MRI.
Sinh thiết
Các triệu chứng và dấu hiệu phát hiện qua thăm khám có thể gợi ý bạn có mắc ung thư vòm họng hay không. Nhưng cách chắc chắn nhất để kết luận bạn mắc ung thư là lấy tế bào từ vùng bất thường và kiểm tra chúng dưới kính hiển vi. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết. Có nhiều cách để sinh thiết, phụ thuộc vào vị trí khu vực bất thường bác sĩ chỉ định sinh thiết.
1. Nội soi sinh thiết
Nếu quan sát thấy u nghi ngờ ở vòm họng, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ bằng dụng cụ dưới hỗ trợ của ống nội soi tai mũi họng. Việc sinh thiết vòm họng có thể thực hiện ở phòng khám ngoại trú hoặc dưới hỗ trợ gây mê trong phòng mổ. Sau đó, mẫu mô được gửi đến phòng xét nghiệm, nơi các bác sĩ giải phẫu bệnh (bác sĩ chuyên chẩn đoán và phân loại mô bệnh học trong phòng xét nghiệm) quan sát mẫu mô dưới kính hiển vi. Nếu mẫu sinh thiết có chứa tế bào ung thư, bác sĩ sẽ gửi trả lại khoa lâm sàng tờ báo cáo kết quả sinh thiết.
Có những tình huống khi bạn có triệu chứng gợi ý ung thư vòm họng nhưng bác sĩ có thể không quan sát thấy bất thường ở vòm họng qua thăm khám, việc sinh thiết dưới hướng dẫn nội soi vùng mô có vẻ bình thường đó, kiểm tra dưới kính hiển vi giúp tìm sự hiện diện các tế bào ung thư.
2. Sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ (FNA)
Sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ hay còn gọi FNA có thể được thực hiện nếu bạn có một khối u nghi ngờ ở cổ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ, rỗng có gắn với ống tiêm để hút một ít dịch chứa tế bào cùng vài mảnh mô nhỏ. Vùng da chọc kim có thể được tiêm gây tê tại chỗ để giảm đau, tuy nhiên điều này thường không cần thiết.
Các tế bào sau đó được đem quan sát dưới kính hiển vi để tìm sự hiện diện của tế bào ác tính.
Kết quả sinh thiết FNA có thể chỉ ra sự nổi hạch cổ là do đáp ứng với tình trạng viêm, hay di căn hạch từ ung thư một vùng khác (ví dụ như ung thư vòm họng), hay ung thư bắt nguồn từ hạch (còn gọi là bệnh lymphoma). Nếu ung thư bắt nguồn từ một vị trí nào đó trong cơ thể, chỉ sinh thiết FNA không đủ để kết luận vị trí nguyên phát của ung thư. Nhưng nếu bệnh nhân vừa được xác định ung thư vòm họng, FNA có thể cho chúng ta biết ung thư vòm họng đã di căn đến hạch hay chưa.
Xét nghiệm hình ảnh
Những xét nghiệm hình ảnh thường được chỉ định như X quang, chụp cộng hưởng từ, siêu âm, CT scan… giúp quan sát rõ bên trong cơ thể bạn. Những phương tiện hình ảnh được các bác sĩ chỉ định vì một số mục đích khác nhau như tìm vị trí nghi ngờ mắc ung thư, xem xét độ lan rộng của ung thư, hoặc để hỗ trợ điều trị.
1. Chụp X quang
Nếu bạn được chẩn đoán ung thư vòm họng, X quang ngực thẳng có thể được bác sĩ chỉ định để xem ung thư vòm họng của bạn đã di căn đến phổi hay chưa. Những bất thường ghi nhận trên phim X quang khi ung thư của bạn đã tiến xa. Nếu kết quả bình thường, có thể căn bệnh ung thư của bạn chưa di căn đến phổi.
2. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
CT scan là loại phương tiện dùng tia X để khảo sát hình ảnh học cắt ngang cơ thể bạn. CT scan đầu cổ có thể cung cấp thông tin về vị trí, kích thước, hình dạng của u và những hạch di căn. CT scan hay MRI đều là những phương tiện quan trọng giúp khảo sát ung thư đã xâm lấn đến xương nền sọ – vị trí mà ung thư vòm họng thường xâm lấn tới. CT scan còn thường được dùng để khảo sát u hiện diện ở những vùng khác của cơ thể.
Thuốc cản quang dạng uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch có thể được chỉ định ngay trước khi chụp để giúp hình ảnh tăng tương phản và quan sát vùng bất thường chi tiết hơn.2
3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Giống như CT scan, MRI cung cấp chi tiết hình ảnh mô mềm trong cơ thể. Nhưng MRI sử dụng sóng điện từ và từ trường mạnh thay vì tia X. Chất cản từ gọi là gadolinium thường được tiêm tĩnh mạch ngay trước khi chụp MRI để cho hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn.
MRI còn hữu ích trong việc xác định xâm lấn các cấu trúc xung quanh vòm họng. MRI tốt hơn CT scan trong đánh giá xâm lấn mô mềm vùng mũi, họng, nhưng kém hơn CT scan trong khảo sát xâm lấn xương nền sọ – một vị trí ung thư vòm họng thường xâm lấn đến.
Tóm lại MRI vẫn là phương tiện hình ảnh chính xác nhất để đánh giá giai đoạn tại chỗ tại vùng của khối u, do vậy MRI được ưu tiên chỉ định hơn nếu bệnh viện sẵn có máy chụp và có chuyên gia hình ảnh đọc kết quả MRI.
4. Chụp PET
Chụp PET là dạng sử dụng một phân tử đường (FDG) hấp thu phóng xạ được đưa vào máu. Bởi vì tế bào ung thư tăng sinh nhanh nên chúng hấp thu lượng lớn đường này. Một giờ sau khi uống, bạn sẽ nằm trên một bàn chuyên dụng của máy chụp PET khoảng 30 phút để chụp lại hình ảnh hấp thu phóng xạ trong cơ thể. Hình ảnh từ chụp PET không rõ ràng như trên hình chụp CT scan hay MRI, nhưng cung cấp thông tin hữu ích toàn bộ cơ thể. Đây là phương tiện tốt nhất để xác định di căn xa.
Một vài máy cho phép chụp PET và CT scan cùng lúc (gọi là chụp PET/CT). Điều này cho bác sĩ biết chính xác vị trí vùng tăng hấp thụ phóng xạ trên phim PET là vùng nào trên phim CT scan.
5. Siêu âm
Siêu âm là phương tiện hình ảnh sử dụng tín hiệu từ sóng âm để tái tạo lại hình ảnh của cơ quan bên trong. Siêu âm cũng là phương tiện hữu ích hỗ trợ sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) hạch vùng cổ.2
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu không chỉ được chỉ định với mục đích chẩn đoán ung thư vòm họng, mà chúng có thể được thực hiện vì một số lý do khác như giúp tìm bằng chứng gợi ý ung thư đã xâm lấn/ di căn đến những cơ quan khác hay chưa.
1. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu và xét nghiệm sinh hoá máu
Xét nghiệm máu thường quy có thể giúp xác định tình trạng sức khoẻ nền của bạn. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ biết liệu bạn có gặp các vấn đề về dinh dưỡng, thiếu máu, bệnh gan, bệnh thận hay không. Kết quả bất thường trong một số xét nghiệm sinh hoá còn giúp bác sĩ tìm các bằng chứng gợi ý ung thư vòm họng đã di căn tới gan, xương hay chưa.
2. Xét nghiệm tải lượng DNA của virut EBV (EBV DNA)
Virut Epstein- Barr (EBV) thuộc họ herpes virut. EBV có thể lây truyền qua đường miệng do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua nước bọt. Tỉ lệ nhiễm EBV ở người lớn trên toàn thế giới khoảng 95%. Hồng Công báo cáo tỉ lễ nhiễm cao nhất ở trẻ em 6 và 10 tuổi, với tỉ lệ lần lượt 80% và 100%.
Nhiễm trùng thường không triệu chứng ở trẻ nhũ nhi và trẻ lớn. EBV có thể nhiễm thể ẩn trong các tế bào bạch huyết, đặc biệt trong tế bào lymphô B. Ung thư vòm họng là loại ung thư không thường gặp có mối liên quan mạnh đến nhiễm EBV. Nhiễm trùng có thể chuyển dạng ác tính vì sự hiện diện của EBV đã được xác định trong những tổn thương tiền ung và EBV DNA trong mẫu u.
Xét nghiệm EBV DNA huyết thanh được thực hiện vào thời điểm trước và sau điều trị giúp tiên lượng bệnh. Ở thời điểm hiện tại, việc xác định EBV DNA huyết thanh không ảnh hưởng kế hoạch điều trị. Ngưỡng giá trị điểm cắt cho tải lượng EBV DNA thời điểm trước điều trị được đề nghị là từ 1500 đến 4000 copies/ml. Khả năng phát hiện EBV DNA được báo cáo với độ chuyên và độ nhạy cao (lần lượt là 92% và 88%).
Khi có các triệu chứng bất thường, dai dẳng gợi ý ung thư vòm họng, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định xét nghiệm phù hợp. Sau khi các xét nghiệm được thực hiện, bác sĩ sẽ giải thích các kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng bệnh và phương án điều trị phù hợp với giai đoạn bệnh của bạn.
Tỉ lệ sống còn sau 2 năm đối với những trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn sớm (giai đoạn I-II) khoảng trên 90%, nhưng giảm đáng kể đối với bệnh giai đoạn muộn hơn (giai đoạn III-IV) chỉ khoảng 50%. Phát hiện sớm và lựa chọn điều trị phù hợp giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vòm họng.
Trong quá trình chẩn đoán, điều trị ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một số xét nghiệm với những mục đích khác nhau. Hãy hỏi bác sĩ của bạn khi có bất kỳ thắc mắc nào về những xét nghiệm này. Việc hiểu rõ kết quả các xét nghiệm giúp bạn bớt hoang mang hơn về tình trạng bệnh của bản thân và chia sẻ quyết định điều trị cùng bác sĩ tốt hơn. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin về xét nghiệm ung thư vòm họng.