Cảm lạnh, viêm họng, đau nhức xương khớp, viêm da, và cả đau tim là những căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở người già và trẻ nhỏ vào mùa lạnh. Nói chúng nguy hiểm, vì với những đối tượng có sức đề kháng yếu, sức khỏe sẽ dễ dàng bị “quật ngã” sau 1 cơn bệnh…
Bệnh cảm lạnh
Thời tiết thay đổi là lúc mà hệ hô hấp dễ gặp vấn đề nhất. Đặc biệt, không khí lạnh thường mang theo các tác nhân gây bệnh như virus gây bệnh cảm lạnh. Người bị cảm lạnh toàn thân đau ê ẩm, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh, ho, mệt mỏi, ăn uống kém.
Người già và trẻ nhỏ trong những ngày thay đổi thời tiết, nếu không được quan tâm chăm sóc sức khỏe, rất dễ bị mầm bệnh tấn công. Nếu không được chữa trị đúng cách, kịp thời, có thể khiến bệnh chuyển biến xấu hoặc sức khỏe yếu dễ nhiễm thêm các bệnh khác.
Cách phòng bệnh:
– Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, mũi họng.
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường đề kháng; nên uống thêm nước chanh, nước cam, nước lọc để giải độc cho cơ thể và tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Viêm họng
Phần lớn nguyên nhân là do virus, và bệnh thường gặp vào mùa lạnh.
Cần lưu ý là sự chênh lệch nhiệt độ, chẳng hạn như đi từ phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh, cũng là nguyên nhân gây bệnh cho cổ họng.
Khi bị đau họng, cách khắc phục nhanh và dễ dàng nhất là súc miệng với nước muối ấm vì nước muối có tính chống viêm và có tác dụng làm dịu cổ họng đang đau rát.
Tuy nhiên cách này lại khó được sự “cộng tác” của trẻ nhỏ, có thể thay thế bằng nước chanh ấm pha thêm chút muối cũng tốt.
Đau nhức xương khớp
Đây là căn bệnh mà người già thường gọi là “bệnh trái gió trở trời”. Thời tiết lạnh khiến các bệnh về khớp dễ tái phát với triệu chứng điển hình là đau nhức các khớp như khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân…
Đau nhức xương khớp kéo dài có thể dẫn tới cứng khớp, khó cử động, dính khớp và mất dần chức năng vận động của khớp gây ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh.
Vì vậy, mùa lạnh cần luôn giữ ấm cơ thể, đeo găng tay, mang tất chân và giày dép ấm khi ra ngoài; đồng thời chú trọng dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh, và giảm đau nhức cho người bệnh.
Da khô nứt nẻ, viêm da
Độ ẩm không khí mùa lạnh làm giảm khả năng “hô hấp” qua da khiến da dễ bị khô ráp, nứt nẻ, nhất là với những người da khô.
Tình trạng nứt nẻ gây đau nhức và khó chịu, có thể gây ra quấy khóc ở trẻ nhỏ. Nếu da không được chăm sóc để phục hồi, khả năng sẽ dẫn đến viêm da.
Khi thời tiết lạnh, nên uống đủ nước, dùng kem dưỡng ẩm cho da, bổ sung các loại Vitamin như A, D, E, C qua thực phẩm (gan động vật, sữa, bơ, mầm ngũ cốc, trái cây…).
Đau tim
Bệnh đặc biệt hay gặp ở người ngoài 50 tuổi vào mùa lạnh, có thể do thời tiết lạnh tác động làm tăng huyết áp và tạo áp lực lên tim, khiến tim phải làm việc vất vả hơn để giữ ấm cơ thể.
Nên giữ ấm ở mức nhiệt độ phòng (26 – 27 độ C), đặc biệt khi ngủ; đội thêm mũ, quàng khăn, đeo găng tay khi ra ngoài.
Mùa lạnh đang “hoành hành”, hãy cảnh giác để người thân, mà đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, không mắc phải những căn bệnh rất “quen thuộc” mà không kém nguy hiểm trên nhé!
Xem thêm: Mùa đông lạnh, khi tắm cần lưu ý điều gì?
Tham khảo thông tin: Bác sĩ chuyên khoa Phạm Thị Việt Phương – Trường cao đẳng Y Dược Pasteur