Bilirubin có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình phá hủy các hồng cầu, là sản phẩm thoái hóa của Heme – một thành phần có trong Hemoglobin của hồng cầu. Quá trình thoái hóa diễn ra ở lưới nội mạc võng mô như: gan, lách (sau khi hồng cầu già chết), tủy xương (do quá trình tạo hồng cầu không hiệu quả) hoặc trong máu (do có các tự kháng thể). Chỉ số Bilirubin trong máu được chia làm bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp, bilirubin gián tiếp. Các chỉ số này rất có ích trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến máu, cơ quan tạo máu, bệnh lý gan mật, bệnh nhiễm trùng, siêu vi…
Bilirubin toàn phần là gì? Bilirubin trực tiếp, gián tiếp là gì?
Bilirubin là một sắc tố vàng da cam, là sản phẩm của quá trình phá hủy các hồng cầu bình thường trong máu, sau đó đi qua gan, một lượng nhỏ được tái hấp thu trở về máu, đại bộ phận sẽ được thải trừ trong đường mật và vào ruột, cuối cùng ra khỏi cơ thể qua phân (chủ yếu) và một lượng nhỏ có trong nước tiểu. Bilirubin toàn phần trong phần huyết thanh bao gồm bilirubin gián tiếp (chiếm 80%) và bilirubin trực tiếp (chiếm 20%), có thể viết như sau:
Bilirubin TP = Bilirubin GT + Bilirubin TT
Trước khi đi tới gan, bilirubin ở dạng chưa được kết hợp (bilirubin không liên hợp) hay còn gọi là bilirubin gián tiếp (do cần sử dụng phương pháp gián tiếp để định lượng loại bilirubin này), loại bilirubin này gắn với albumin và không được lọc qua thận. Khi đến gan, bilirubin gián tiếp sẽ được các tế bào gan giữ lại, kết hợp với các glucuronid do gan sản xuất để tạo ra một dạng hòa tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp hay còn gọi là bilirubin trực tiếp và bài xuất vào trong đường mật.
Khi Bilirubin trực tiếp ra khỏi gan vào trong ruột già, dưới tác động của các vi khuẩn sẽ được chuyển hóa thành urobilinogen rồi thành stercobilin, sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân. Hiện nay hầu hết các phòng thí nghiệm sẽ đo nồng độ bilirubin trực tiếp, sau đó lấy tổng lượng bilirubin trong cơ thể (bilirubin toàn phần) trừ cho lượng trực tiếp, từ đó sẽ ước tình được lượng bilirubin gián tiếp trong cơ thể.
Bilirubin gián tiếp khá độc, không tan trong nước và là dạng vận chuyển của bilirubin trong máu. Bilirubin trực tiếp (bilirubin liên hợp với acid glucuronic) cho phản ứng Diazo nhanh, tan trong nước và qua được màng lọc cầu thận.
Giá trị bilirubin bình thường
Bilirubin toàn phần
- Trẻ sơ sinh có chỉ số bilirubin: < 10 mg/dl hay < 171μmol/L.
- Trên 1 tháng tuổi có chỉ số bilirubin: 0.3 – 1.2 mg/dl hay 5.1 – 20.5 μmol/L.
- Người lớn có chỉ số bilirubin: 0.2 – 1.0 mg/dL hay 3.4 – 17.1 μmol/L.
Bilirubin trực tiếp
- Bình thường: 0 – 0.4 mg/dl hay 0 – 7 μmol/L
Bilirubin gián tiếp
- Bình thường: 0.1 -1.0 mg/dL hay 1 – 17 μmol/L
Tỷ lệ Bilirubin trực tiếp/ Bilirubin toàn phần
- Bình thường: < 20 %.
Ý nghĩa của bilirubin?
Lượng bilirubin trực tiếp hoặc bilirubin gián tiếp tăng cao hơn lượng bình thường sẽ có khả năng chẩn đoán các bệnh lý về gan mật cũng như tình trạng tan máu cao hơn.
Bilirubin cao sẽ cho thấy tỷ lệ hủy hoại tế bào máu đỏ (hồng cầu) sẽ ngày càng tăng cao.
Đối với trẻ sơ sinh, việc xác định nhanh chóng nồng độ bilirubin trong máu cũng là một phương pháp quan trọng. Xét nghiệm kịp thời trước khi bilirubin gián tiếp tăng quá cao, có thể vượt qua hàng rào máu-não làm lắng đọng trong hạch nền và nhân não gây tổn thương tế bào não của trẻ. Hậu quả sẽ làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, suy giảm khả năng học tập và sự phát triển. Ngoài ra còn khiến trẻ bị mất thính lực, rối loạn vận động mắt hoặc nặng hơn là tử vong …
Bilirubin cao bất thường trong trường hợp nào?
- Nhiễm trùng túi mật hay viêm túi mật, sỏi mật…
- Một số bệnh di truyền như hội chứng Gilbert (căn bệnh ảnh hưởng tới việc gan xử lý bilirubin). Bệnh vàng da có thể xảy ra ở một số người mắc hội chứng Gilbert nhưng tình trạng này thường không nguy hiểm.
- Bệnh gây ra tổn thương gan như: viêm gan, xơ gan hay bạch cầu đơn nhân.
- Bệnh gây tắc nghẽn đường mật như sỏi mật, viêm đường mật, ung thư biểu mô đường mật hay ung thư tuyến tụy.
- Huỷ hoại nhanh chóng hồng cầu trong máu, như bệnh hồng cầu hình liềm, sốt rét, bất đồng nhóm máu RH ở trẻ sơ sinh, hoặc dị ứng với máu nhận từ việc truyền máu.
- Bệnh thiếu máu Biermer (bệnh lý tạo hồng cầu không hiệu quả), hội chứng Crigler-Najjar
- Cường lách, suy tim mất bù
- Ngoài ra bilirubin có thể tăng với phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non, những người có hoạt động thể lực mạnh,
Khi nào nên xét nghiệm bilirubin máu?
Khi có các dấu hiệu bất thường về chức năng, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm bilirubin, cụ thể trong các trường hợp sau:
- Vàng da
- Uống chất có cồn quá nhiều
- Nghi ngờ ngộ độc thuốc
- Tiếp xúc với virus viêm gan
- Nước tiểu màu đậm, có màu như hổ phách
- Buồn nôn, nôn mửa nhiều.
- Đau hoặc bị sưng bụng
- Mệt mỏi, uể oải và mắc kèm với bệnh gan mãn tính.
- Nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu tán huyết.
- Xác định nồng độ bilirubin ở trẻ sơ sinh mắc được xem là một tiêu chuẩn chăm sóc y tế.
Lưu ý trước khi xét nghiệm Bilirubin
Nồng độ Bilirubin trong máu của nam giới sẽ cao hơn so với nữ giới. Nếu tập luyện quá sức sẽ có thể làm tăng nồng độ bilirubin máu. Các thuốc điều trị bệnh cũng có thể làm nồng độ bilirubin thấp bao gồm: barbiturate, cafein, penicillin, salicylate liều cao, atazanavir (thuốc kháng virus HIV có thể làm tăng nồng độ bilirubin gián tiếp). Thuốc làm nồng độ Bilirubin tăng như: kháng sinh, một vài loại thuốc kiểm soát sinh đẻ, diazepam (Valium), flurazepam, indomethacin (Indocin), và phenytoin (Dilantin)…
Lượng Bilirubin có thể được đo trong nước ối nếu bác sĩ nghi ngờ thai nhi có tình trạng hủy hoại hồng cầu. Thông thường, khi nước tiểu không chứa bilirubin thì bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm những xét nghiệm khác để có thể tìm nguyên nhân.
Khi xét nghiệm không nên ăn hoặc uống trong vòng 4 giờ. Bác sĩ sẽ thông báo việc dừng uống những loại thuốc có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Đối với trẻ nhỏ không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi xét nghiệm.
Một lượng máu sẽ được lấy để làm xét nghiệm, máu lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay bằng kim tiêm, sau đó được chứa trong một ống xét nghiệm. Sau khi lấy máu cần đặt miếng băng cá nhân lên chỗ tiêm trong vòng 10 – 20 phút, tránh dùng tay nâng vật nhanh sau lấy máu.