Lượng đường trong máu của trẻ tăng cao có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là cha mẹ nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt những thông tin về bệnh và các triệu chứng cần theo dõi có thể báo hiệu tăng đường huyết. Bởi vì nếu không kịp thời điều trị, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Sau đây là tầm quan trọng của xét nghiệm đường huyết tại nhà.
Tại sao xét nghiệm đường huyết lại quan trọng?
Kiểm tra lượng đường trong máu (gọi tắt là đường huyết) của con bạn là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Thường xuyên kiểm tra đường huyết của con bạn bởi vì những mục tiêu sau:
- Theo dõi mức đường huyết của con bạn liệu có ổn định trong giới hạn bình thường hay không. Nếu đường huyết được kiểm soát tốt, việc này sẽ giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng mạn tính . Lúc đó, nhiều cơ quan có thể bị ảnh hưởng bởi đường huyết cao như tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu.
- Nếu đường huyết quá thấp hoặc quá cao, trẻ có thể cần điều chỉnh chế độ ăn hay thuốc đang điều trị. Một số loại thực phẩm, hoạt động thể chất và căng thẳng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của con bạn. Theo dõi sẽ giúp phòng ngừa trường hợp đường huyết có thể giảm quá thấp trong đêm.
- Trong trường hợp trẻ bị ốm hay có những bệnh lí có thể ảnh hưởng đến đường huyết, việc theo dõi sẽ có ích rất nhiều.
Xem thêm: Đái tháo đường tuýp 1
Những triệu chứng nào liên quan đến tăng đường huyết?
Tăng đường huyết có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, thường gặp là bệnh đái tháo đường, căng thẳng hoặc nhiễm trùng. Bệnh đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa mạn tính. Tăng đường huyết xuất hiện ở 20 đến 40 phần trăm trẻ em lần đầu được chẩn đoán bệnh đái tháo đường và ở những trẻ chưa được điều trị hiệu quả.
Dấu hiệu đầu tiên của tăng đường huyết là đi tiểu thường xuyên và uống rất nhiều nước. Sau đó, trẻ có thể xuất hiện thêm những triệu chứng sau đây:
- Thèm ăn nhiều nhưng sụt cân.
- Mặt đỏ bừng.
- Da khô.
- Đau đầu.
- Đau bụng.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Buồn ngủ hay lơ mơ.
- Nhìn không rõ.
- Hơi thở có mùi bất thường.
- Nhịp tim bất thường.
- Khó thở.
Nếu có một trong những triệu chứng trên, bạn cần đưa trẻ đến khám Bác sĩ. Trong trường hợp trẻ đã được chẩn đoán đái tháo đường và đang điều trị thuốc tiêm hoặc uống, cha mẹ nên lưu ý về lần tiêm insulin hay uống thuốc cuối cùng.
Xem thêm: Các dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán đái tháo đường
Những thiết bị cần thiết để kiểm tra đường huyết tại nhà
Kim nhỏ
Kim nhỏ được sử dụng để lấy một giọt máu của trẻ cho xét nghiệm. Một số thương hiệu có thể điều chỉnh kim với các độ sâu khác nhau. Vị trị thường lấy máu ở ngón tay. Quan trọng là bạn phải sử dụng kim mới cho mỗi lần xét nghiệm. Kim mới sắc bén và sạch sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết có rất nhiều loại khác nhau. Do đó, kết quả xét nghiệm có thể chênh lệch giữa các máy đo đường huyết. Không quan trọng bạn chọn loại máy đo nào, miễn là bạn luôn sử dụng cùng một loại máy đo cho trẻ.
Khi tìm hiểu thông tin máy đo đường huyết, bạn cần chú ý:
- Máy đó đảm bảo chính xác trong khu vực bạn sống. Cần phù hợp ở nhiệt độ mát mẻ hoặc nóng, độ ẩm cao hoặc những vùng núi cao.
- Có thể lưu trữ ít nhất 100 kết quả xét nghiệm gần nhất để Bác sĩ đánh giá việc điều trị của con bạn.
- Kích thước nhỏ gọn để mang theo khi ra ngoài như trong túi xách hoặc ba lô.
- Dễ dàng vệ sinh máy sạch sẽ.
Que thử đường huyết
Que thử đường huyết cần phù hợp tương ứng với máy đo đường huyết. Kiểm tra ngày hết hạn trên chai que thử. Không sử dụng que thử đã hết hạn. Bởi vì kết quả kiểm tra có thể không chính xác. Luôn lưu trữ các que thử chưa sử dụng trong hộp đựng. Que thử đã tiếp xúc với không khí có thể không cho kết quả chính xác.
Xét nghiệm đường huyết được thực hiện như thế nào?
Lấy mẫu máu
Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ bằng nước ấm và xà phòng, nhất là ở vị trí bạn sẽ lấy máu. Điều này sẽ làm tăng lưu lượng máu ở vị trí lấy máu và đảm bảo không có gì trên da có thể thay đổi kết quả. Nó cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Không sát trùng da bằng cồn. Bất kỳ dấu vết của cồn trên da sẽ ảnh hưởng kết quả.
Vị trí lấy máu cần được để khô ráo hoàn toàn trước khi chích kim. Nhỏ giọt máu lên que thử. Nếu que thử đã được để trong ngăn mát tủ lạnh, hãy đặt que thử ở nhiệt độ phòng vài phút trước khi bạn sử dụng. Bạn cần đảm bảo lấy đủ lượng máu vào que thử. Lượng máu quá ít là lí do thường dẫn đến những chỉ số đường huyết không chính xác.
Bước cuối cùng là đặt que thử vào trong máy đo đường huyết. Máy sẽ xuất hiện kết quả trong khoảng 10 giây.
Những yếu tố ảnh hưởng kết quả
Để tránh kết quả đường huyết không chính xác, bạn có thể kiểm tra những vấn đề sau:
- Máy đo cần được vệ sinh và kiểm tra tại trung tâm bảo hành định kì.
- Que thử không hết hạn sử dụng.
- Máy đo được thiết kế phù hợp cho hộp que thử hiện tại.
- Máy đo và que thử đã đặt ở nhiệt độ phòng.
- Số lượng giọt máu đủ nhiều.
Một số máy đo có thể có độ chính xác cao hơn những máy khác. Nếu đường huyết của con bạn quá cao hoặc quá thấp, bạn nên kiểm tra lại lần thứ hai. Nếu có bất kì câu hỏi nào về cách sử dụng, bạn có thể tham khảo ý kiến từ Bác sĩ điều trị cho trẻ.
Xem thêm: Xử trí thế nào khi trẻ bị côn trùng cắn?
Con bạn nên làm xét nghiệm đường huyết tại nhà khi nào?
Bác sĩ điều trị cho trẻ sẽ hướng dẫn thời điểm và tần suất bạn cần kiểm tra đường huyết của con bạn. Ngoài ra, một thông tin quan trọng là bạn cũng sẽ được tư vấn về khoảng giới hạn chỉ số đường huyết bình thường của trẻ. Những thông tin khác cần chú ý như việc bạn cần xử trí như thế nào trong trường hợp kết quả đường huyết của con bạn quá cao hoặc quá thấp.
Ở giai đoạn đầu, thời điểm thử nghiệm thường là bắt đầu vào buổi sáng – khi trẻ vừa ngủ dậy. Ngoài ra, có thể trước bữa ăn và các hoạt động thể chất, 2 giờ sau bữa ăn, trước khi đi ngủ hoặc bất cứ lúc nào bạn cảm thấy trẻ có đang tăng hay giảm đường huyết nhiều. Bạn cũng nên kiểm tra đường huyết của trẻ khi có những dấu hiệu của một bệnh lí nào đó.
Số lần kiểm tra có thể thường xuyên hơn khi Bác sĩ điều chỉnh lại thuốc điều trị đái tháo đường của trẻ hay những thuốc khác ảnh hưởng đến đường huyết.
Theo dõi kết quả kiểm tra như thế nào tại nhà?
Điều quan trọng là phải theo dõi kết quả xét nghiệm đường huyết của con bạn mỗi ngày. Ghi chú lại những gì ảnh hưởng đến đường huyết của con bạn có thể giúp kiểm soát nó tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên ghi lại những kết quả đường huyết mặc dù máy đo có chức năng này. Điều này có thể đề phòng trường hợp máy đo bị hỏng. Những thông tin bạn cần theo dõi bao gồm:
- Ngày và giờ của kết quả kiểm tra.
- Bất kỳ triệu chứng nào con bạn có.
- Giá trị đường huyết.
- Thời điểm con bạn hoạt động thể chất, bị ốm hoặc cảm thấy căng thẳng .
- Những gì con bạn ăn trước khi đi ngủ hoặc hoạt động thể chất.
- Khi con bạn có kết quả đường huyết thấp và những gì bạn nghĩ có thể là nguyên nhân.
Những thông tin trên có thể lưu lại trong một cuốn sổ nhỏ. Luôn mang theo sổ theo dõi mỗi lần tái khám cho trẻ để Bác sĩ có thể đánh giá trẻ chính xác nhất có thể. Từ đó điều chỉnh thuốc hay những hoạt động hằng ngày cho phù hợp với tình trạng bệnh.
Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ mắc bệnh đái tháo đường, bạn sẽ lo lắng về những đợt tăng đường huyết có thể xảy ra. Nhưng điều này có thể kiểm soát bằng cách tìm hiểu thông tin cách theo dõi đường huyết liên tục, chế độ ăn uống hợp lý theo lời khuyên của Bác sĩ nhi khoa, liệu pháp insulin nếu được chỉ định và tập thể dục phù hợp.